12 anh hùng trẻ tuổi trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, Mỹ của Việt Nam
Để giành chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhân dân ta đã anh dũng chiến đấu, trong đó có nhiều anh hùng dân tộc ở độ tuổi thiếu niên. Hãy cùng bài viết này tìm hiểu những vị anh hùng trẻ tuổi trong lịch sử Việt Nam bạn nhé!
Xem nhanh
- Vừ A Dính (1934 - 1949)
- Kim Đồng (1929 - 1943)
- Lý Văn Mưu (1934 – 1950)
- Bế Văn Đàn (1931 - 1953)
- Dương Văn Mạnh (1930 – 1944)
- Lê Văn Tám (? - ?)
- Dương Văn Nội (1932 - 1947)
- Kơ-Pa Kơ-Lơng (1948 - 1975)
- Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1965)
- Võ Thị Sáu (1933 - 1952)
- Lý Tự Trọng (1914 - 1931)
- Nguyễn Bá Ngọc (1952 - 1965)
1Vừ A Dính (1934 - 1949)
Vừ A Dính là con trong một gia đình người Mông có truyền thống yêu nước nồng nàn - cơ sở cách mạng của quân Việt Minh tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu. Cha mẹ Vừ A Dính là ông Vừ Chống Lầu (sinh năm 1899) và bà Sùng Thị Plây (sinh năm 1901), họ cùng những người khác trong nhà đã hi sinh bởi nòng súng của quân Pháp. Mẹ Sùng Thị Plây được trao danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong đợt đầu tiên (1994).
Từ nhỏ Vừ A Dính đã thông minh, gan dạ, luôn xung phong lên đường liên lạc giúp cho bộ đội. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, vô tình rơi vào cạm bẫy của giặc, Vừ A Dính kiên quyết nói: “Không biết” dù bị tra tấn dã man. Cuối cùng, quân Pháp không lấy được thông tin gì nên đã bắn chết và treo lên cây Vừ A Dính lúc này chỉ mới tròn 15 tuổi.
2Kim Đồng (1929 - 1943)
Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, một anh hùng cách mạng người dân tộc Nùng ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, anh được anh trai và bộ đội giác ngộ cách mạng từ sớm nên rất hăng hái tham gia cách mạng. Anh là một trong năm thành viên đầu tiên và cũng là tổ trưởng của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Kim Đồng là một liên lạc viên đáng tin cậy của bộ đội, anh thường làm công tác vận chuyển thư từ bí mật, truyền tin cho các căn cứ. Trong một lần đưa tin, Kim Đồng phát hiện một toán quân địch phục kích ở nơi có bộ đội quân ta. Anh nhanh trí dụ quân địch nổ súng về phía mình để cho quân ta có cơ hội dời đi. Ngày hôm ấy bên bờ suối Lê-nin, Kim Đồng bị trúng đạn và hi sinh khi vừa tròn 14 tuổi.
3Lý Văn Mưu (1934 – 1950)
Lý Văn Mưu là một người dân tộc Tày sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Được giác ngộ cách mạng từ sớm, Lý Văn Mưu đã hăng hái tham gia đội quân chống giặc để bảo vệ quê hương. Trong lần ra trận đầu tiên, nhờ sự thông minh, dũng cảm, anh đã cùng đồng đội xông vào tiêu diệt giặc.
Trong trận Đông Khê lần thứ nhất năm 1950, đơn vị của Lý Văn Mưu là đội tiên phong xông lên đánh vào các toán quân giặc. Nhiều đồng đội đã hy sinh, Lý Văn Mưu bị bắn vào tay, chân và ngực, máu chảy đầm đìa, song anh vẫn kiên trì trườn lên kích nổ những quả bộc phá để tiêu diệt ổ giặc cuối cùng ở Đông Khê. Anh đã ra đi vì đất nước lúc 16 tuổi.
4Bế Văn Đàn (1931 - 1953)
Bế Văn Đàn là người dân tộc Tày, con của một gia đình nghèo yêu nước ở xã Quang Vinh, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Khi cuộc chiến tranh Đông Dương đang diễn ra quyết liệt, anh tham gia vào bộ đội và luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao. Trong chiến dịch Đông Xuân năm 1953 - 1954, Bế Văn Đàn nhận nhiệm vụ liên lạc. Khi trở về, anh tiếp tục ra chiến trường chiến đấu cùng đồng đội trong công cuộc giữ lấy Mường Pồn.
Quân đội Việt Minh thương vong nhiều, trong tình thế cấp bách, khi thấy khẩu trung liên của đơn vị mình không thể bắn được vì không có chỗ đặt súng, Bế Văn Đàn nhanh trí lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội bắn. Vào lúc ấy, anh nói rõ: “Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi!". Vết thương chồng vết thương, Bế Văn Đàn hy sinh khi trên vai vẫn giữ chặt hai khẩu súng.
5Dương Văn Mạnh (1930 – 1944)
Dương Văn Mạnh là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân quê ở xã Long Phước, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ nhỏ, Dương Văn Mạnh đã giác ngộ cách mạng nhờ vào các phong trào học sinh, sinh viên thời bấy giờ. Anh tham gia làm liên lạc bí mật cho bộ đội từ căn cứ Sài Gòn về Bà Rịa trong đội Du kích xã Long Phước.
Trong một lần liên lạc trở về, Dương Văn Mạnh rơi vào tay của quân Pháp. Bọn chúng tra hỏi và đánh đập anh một cách dã man nhưng anh vẫn không nói một lời nào. Cuối cùng bất lực với sự gan lì của anh thanh niên, quân Pháp đem anh ra bắn để thị uy với quân dân ta. Trước khi chết, Dương Văn Mạnh đã dõng dạc hô: ''Giặc Pháp là quân xâm lược, lũ cướp nước'' khiến bọn giặc một phen hoảng sợ.
6Lê Văn Tám (? - ?)
Lê Văn Tám là một tấm gương sáng về thiếu niên anh dũng vì nước quên thân. Khi bọn giặc Pháp tràn vào nước ta đô hộ, Lê Văn Tám là một cậu bé bán hàng rong hiền lành, nhút nhát. Quân Pháp quen mặt Tám nên không chú ý tới cậu bé, trong lúc đó, Tám đã dò thám kho xăng, đạn lớn của quân địch ở Thị Nghè.
Mặc dù tuổi còn nhỏ, nhưng Lê Văn Tám đã sớm giác ngộ cách mạng và cảm thấy ghê rợn trước những hành động đàn áp dã man của quân Pháp. Lê Văn Tám đã dũng cảm mang dầu xăng trên người lẻ vào kho đạn lớn của quân địch và châm ngòi đốt. Lê Văn Tám đã dũng cảm hy sinh khi phá hủy kho đạn quan trọng của giặc.
7Dương Văn Nội (1932 - 1947)
Dương Văn Nội là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân quê ở Duy Tiên, Hà Nam. Anh sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, từ nhỏ đã chứng kiến nhân dân ta bị thực dân Pháp đánh đập, đàn áp dã man. Lớn lên, Dương Văn Nội tham gia vào Đội Thiếu niên cứu quốc Thủ đô và nhận nhiệm vụ liên lạc bí mật cho đại đội tự vệ Thăng Long.
Dương Văn Nội là một chàng thiếu niên anh dũng, nhanh nhẹn, mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng anh đã góp phần lập nhiều chiến công cho Đại đội tự vệ Thăng Long. Trong một lần bị quân Pháp vây đánh, Dương Văn Nội và đồng đội đã dũng cảm cầm súng giết địch đến hơi thở cuối cùng. Anh hy sinh khi chỉ mới 15 tuổi và người đầu tiên được trao tặng Huân chương Quân công hạng Ba.
8Kơ-Pa Kơ-Lơng (1948 - 1975)
Kơ-Pa Kơ-Lơng là người dân tộc Gia Rai, quê ở xã Ia Pia, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Ngay từ lúc nhỏ anh đã chứng kiến cha hy sinh dưới tay của quân Mỹ - Diệm trong một cuộc nổi dậy, vì thế Kơ-Pa Kơ-Lơng vô cùng căm thù bọn chúng. Khi mới 13 tuổi, anh đã xung phong tham gia cách mạng nhưng vì tuổi quá nhỏ nên không được nhận. Anh đã tự chế nỏ giết giặc và rèn luyện tuyệt chiêu “bắn xuyên táo”.
Chỉ với ít viên đạn, Kơ-Pa Kơ-Lơng có thể tiêu diệt hàng tá quân địch, khi đủ tuổi anh tham gia vào đội du kích và phát huy tài năng của mình. Anh trở thành đội trưởng của đội du kích huyện, sau đó, anh trở thành một chiến sĩ trinh sát của bộ đội huyện Chư Prông vào năm 17 tuổi. Anh đã chiến đấu hết mình và lập được nhiều chiến công to lớn trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ.
9Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1965)
Nguyễn Văn Trỗi là người con sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước quê ở làng Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Gia đình anh chuyển vào Sài Gòn sinh sống, tại đó anh đã được giác ngộ cách mạng và trở thành một thành viên của Đội Biệt động thành Sài Gòn 65 khi còn rất trẻ. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Văn Trỗi luôn xung phong trong nhiều nhiệm vụ nguy hiểm.
Vào năm 1964, Nguyễn Văn Trỗi đã xung phong tham gia cuộc ám sát phái đoàn do Bộ trưởng Quốc phòng là Robert Macnamara dẫn đầu. Tuy nhiên nhiệm vụ thất bại, anh bị quân địch bắt sống. Chúng đã dụ dỗ, tra hỏi nhiều ngày nhưng Nguyễn Văn Trỗi vẫn kiên quyết không hé một lời. Cuối cùng anh bị xử bắn vào ngày 15/10/1964 khi mới 24 tuổi.
10Võ Thị Sáu (1933 - 1952)
Võ Thị Sáu là một nữ du kích tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Cô sinh ra trong một gia đình nghèo yêu nước ở Bà Rịa - Vũng Tàu và được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Khi mới 14 tuổi, Võ Thị Sáu đã dùng lựu đạn tiêu diệt một tên lính Pháp và trở thành người tiếp tế cho chiến khu, đồng thời dò thám tình hình của quân địch để truyền tin về cho bộ đội ta.
Võ Thị Sáu rơi vào tay quân Pháp trong một lần thực hiện nhiệm vụ ở quê hương Đất Đỏ, cô bị chúng tra khảo gay gắt và bị tòa án phán tội tử hình khư chưa tròn 18 tuổi. Bản án của Võ Thị Sáu đã gây chấn động không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước Pháp. Đến khi đủ 18 tuổi, cô bị bí mật tử hình ở Côn Đảo khiến nhiều người không khỏi đau lòng. Võ Thị Sáu là biểu tượng Liệt nữ Anh hùng tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
11Lý Tự Trọng (1914 - 1931)
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, quê ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ông được giác ngộ cách từ rất sớm. Khi mới 10 tuổi, anh đã tham gia vào Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí ở Trung Quốc. Sau đó, Lý Tự Trọng về nước và trở thành liên lạc viên cho Xứ ủy Nam Kỳ với Đảng Cộng sản Việt Nam, anh còn tham gia thành lập đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương.
Lý Tự Trọng là người dũng cảm bắn chết tên thanh tra mật thám Pháp Le Grand trong buổi meeting vào ngày 9/2/1931. Anh bị quân Pháp truy lùng, bắt giữ và dùng mọi thủ đoạn để dụ dỗ, tra khảo anh nhưng không nhận được bất cứ thông tin gì. Cuối cùng chúng phán anh án tử hình vào ngày 20/11/1931, lúc này Lý Tự Trọng chỉ mới 17 tuổi.
12Nguyễn Bá Ngọc (1952 - 1965)
Nguyễn Bá Ngọc là người anh hùng chân đất nhỏ tuổi ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1964 khi giặc Mỹ tấn công và thả bom ném phá các trường học, bệnh viện, Nguyễn Bá Ngọc và bạn bè mình phải ẩn nấp dưới hầm.
Trong một cuộc tấn công của Mỹ, xung quanh nhà Nguyễn Bá Ngọc bị thả bom dữ dội, bên nhà cậu bạn bị trúng bom. Nguyễn Bá Ngọc đã dũng cảm bò sang nhà bạn cứu giúp và bế hai em nhỏ sang chỗ an toàn. Vào lúc ấy, mảnh bom đã bắn vào lưng anh. Vết thương quá nặng đã lấy đi tính mạng của người anh hùng nhỏ tuổi Nguyễn Bá Ngọc, anh là tấm gương to lớn về việc xả thân cứu người cho các thế hệ sau này.
Bài viết đã cung cấp những thông tin cơ bản về 12 anh hùng dân tộc trẻ tuổi trong lịch sử Việt Nam, những người có công cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
Bạn đang xem: 12 anh hùng trẻ tuổi trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, Mỹ của Việt Nam
Chuyên mục: Giải trí
Các bài liên quan
- Top 10 kênh YouTube về lịch sử hay, hấp dẫn nhất không phải ai cũng biết
- Top 8 cực phẩm nam sinh đẹp trai Việt Nam khiến các nàng mê mẩn
- Top 10 phim tài liệu lịch sử hay nhất bạn không nên bỏ lỡ
- Top 10 phim mô tả gần như thật về chiến tranh Việt Nam
- Top 10 bộ phim hay nhất về chiến tranh thế giới thứ hai và phát xít