Vụ 3 diễn viên và MC bị bắt: Vén màn chiêu trò lừa đảo tinh vi
Vụ 3 sao Thái bị bắt giam có diễn biến mới khi các cơ quan chức năng kêu gọi các nạn nhân tiếp tục tố cáo các nghi phạm liên quan đến The Icon Group.
Cuộc điều tra về cáo buộc The Icon Group điều hành mô hình kinh doanh đa cấp bất hợp pháp vẫn đang tiếp tục.
Dù 18 nghi phạm, bao gồm cả CEO và người sáng lập công ty, đã bị bắt giữ, vụ bê bối gian lận này - một trong những vụ lớn nhất trong những năm gần đây tại Thái Lan - sẽ không phải là vụ cuối cùng, vì các mô hình kinh doanh đa cấp và các dự án đầu tư gian lận khác vẫn đang phát triển mạnh, theo nhận định của các cơ quan chức năng.
3 MC và diễn viên Thái vừa bị bắt gây rúng
động.
Bất chấp những rủi ro và cảnh báo từ các cơ quan thực thi pháp luật, nhiều người vẫn trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo vì lời hứa hẹn kiếm tiền nhanh chóng và dễ dàng. Trong mô hình kim tự tháp, các thành viên được hứa hẹn lợi nhuận lớn khi tuyển dụng thêm thành viên mới, thường chuyển tiền từ nhà đầu tư mới cho những người tham gia trước đó.
Mô hình này được thiết kế để đánh vào lòng tham và mong muốn lợi ích tài chính, với lời hứa hẹn về lợi nhuận đầu tư cao mà nhà đầu tư gần như không phải bỏ ra công sức. Nhiều mô hình kim tự tháp thường được ngụy trang dưới dạng doanh nghiệp tiếp thị đa cấp (MLM) hoặc các cơ hội đầu tư hợp pháp khác.
Kosolwat Inthuchanyong, Giám đốc Văn phòng bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ pháp lý thuộc Văn phòng Tổng Chưởng lý (OAG), cho biết các mô hình kim tự tháp được ngụy trang dưới vỏ bọc bán hàng trực tiếp đã tồn tại ở Thái Lan từ lâu. "Chúng đánh lòng tham của mọi người và mang lại hy vọng cho những người đang phải vật lộn với khó khăn kinh tế hiện tại", ông nói.
Ông cho biết nhiều nạn nhân bao gồm cả người về hưu, bị lừa mất khoản tiền tiết kiệm cả đời bởi các mô hình kim tự tháp ngụy trang. Những kẻ lừa đảo, trong đó có nhiều người nổi tiếng, thường lợi dụng sự nổi tiếng và địa vị xã hội để xây dựng lòng tin với nạn nhân.
Ông Kosolwat cho biết những nạn nhân từng bị lừa đảo trong các mô hình kim tự tháp có rất ít cơ hội lấy lại tiền, thường chỉ nhận lại một phần nhỏ. Tuy nhiên, luật chống rửa tiền hiện hành cho phép Văn phòng Chống rửa tiền (Amlo) phong tỏa tài sản của những kẻ lừa đảo và công nghệ hiện đại được sử dụng để theo dõi dòng tiền trực tuyến.
Warathaphon Waratyaworrakul, người sáng lập và CEO của The Icon Group, hiện bị giam giữ bởi cảnh sát. (Ảnh: Nutthawat Wichieanbut)
Tính đến 19/10, có tổng cộng 2.910 người nộp đơn khiếu nại chống lại The Icon Group. Warathaphon Waratyaworrakul (còn được gọi là Boss Paul), người sáng lập và CEO của The Icon Group, cùng với 17 nghi phạm khác, bị giam giữ sau khi Tòa án Hình sự chấp thuận yêu cầu của cảnh sát.
18 nghi phạm, bao gồm 3 sao Thái nổi tiếng là Yuranunt Pamornmontri, Min Pechaya Wattanamontree và Kan Kantathavorn, bị truy tố về tội danh đồng phạm lừa đảo và nhập thông tin sai lệch vào hệ thống máy tính. Tất cả đều phủ nhận các cáo buộc.
MC Kan Kantathavorn, diễn viên Min Pechaya và Sam Yuranunt Pamornmontri bị bắt giữ vì tội lừa đảo - Ảnh: Teenee
Bà Saree Ongsomwang, Tổng thư ký Hội đồng Người tiêu dùng Thái Lan (TCC), cho biết The Icon Group đăng ký là doanh nghiệp tiếp thị trực tiếp, không phải công ty bán hàng trực tiếp. "Nhưng những gì công ty đã làm là bán hàng trực tiếp. Do đó, đây là hành vi vi phạm pháp luật", bà nói.
Bà kêu gọi các cơ quan nhà nước kiểm tra dòng tiền của các đại lý công ty, xác định liệu hoạt động kinh doanh có tập trung vào việc tuyển dụng thành viên thay vì bán sản phẩm hay không, vì đây có thể bị coi là mô hình kim tự tháp.
Pol Lt Col Krisanaphong Poothakool, Phó giáo sư ngành Tội phạm học và Phó Chủ tịch Đại học Rangsit, nhấn mạnh các điều tra viên cảnh sát cần tìm bằng chứng về việc công ty và các nghi phạm đang tuyển dụng thành viên mới. Ông cho biết: "Chừng nào mọi người còn bị đánh vào lòng tham và mong muốn có được tiền nhanh chóng và dễ dàng, những vụ lừa đảo tương tự sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai và nhiều người vẫn bị lừa".
Một nạn nhân 61 tuổi yêu cầu giấu tên tiết lộ biết đến hoạt động kinh doanh của công ty qua một chương trình truyền hình. Theo đó, ông Warathaphon giới thiệu về khóa học marketing online với giá chỉ 97 baht (73 nghìn đồng), khiến bà quyết định thử nghiệm và liên hệ với công ty.
Sau một buổi định hướng trực tuyến, nạn nhân cho biết đã chi hơn 250.000 baht (gần 190 triệu đồng) để đăng ký làm đại lý và mua sản phẩm, sau khi những người cấp trên cam kết bà sẽ kiếm được hàng trăm nghìn baht.
Tuy nhiên, khi thử nghiệm sản phẩm, bà phát hiện chúng không đạt chất lượng như quảng cáo nên không thể bán cho người khác. Khi cố gắng trả lại sản phẩm, bà bị từ chối. Họ khẳng định rằng giải pháp duy nhất cho bà là phải tuyển thêm thành viên mới và chia sẻ phần trăm doanh số từ những người mình tuyển dụng.
Bạn đang xem: Vụ 3 diễn viên và MC bị bắt: Vén màn chiêu trò lừa đảo tinh vi
Chuyên mục: Giải trí
Các bài liên quan
- Bắt giữ 1 nghi phạm trong đường dây lừa đảo á hậu 3 tỷ đồng
- Ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vụ lừa chạy án 9 tỷ là Quán quân 'Tình khúc vàng'
- Vụ 3 diễn viên và MC bị bắt: Thiệt hại đã lên hơn 1.800 tỷ đồng
- Vụ 3 MC, diễn viên bị bắt: Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan lo lắng và sợ hãi
- Vụ 3 MC, diễn viên bị bắt: Tịch thu BST đồng hồ của CEO, thiệt hại tăng 1500 tỷ đồng
- Vụ 3 diễn viên, MC bị bắt: Tịch thu nhiều vàng, thiệt hại tăng lên 1500 tỷ đồng