Vợ chồng trẻ lương hơn chục triệu, mua được nhà Hà Nội nhờ biết “liệu cơm gắp mắm”
Vợ làm kế toán, còn chồng làm kinh doanh cho một công ty tư nhân. Tổng thu nhập của hai vợ chồng được 25 triệu đồng/tháng, họ đã mua được nhà ở Hà Nội bằng cách nào?
Mua nhà 1 tỷ nhưng trong tay chỉ có 380 triệu đồng
Chị Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1988) quê ở Nghệ An đã học tập, làm việc ở Hà Nội 11 năm. Năm 2018, chị lấy chồng là người cùng quê, hai vợ chồng thuê một căn nhà ở khu vực Định Công, quận Hoàng Mai để sinh sống.
Sau khi có cô con gái đầu lòng được 10 tháng tuổi, cũng là thời điểm chủ nhà lấy lại nhà và không cho thuê nữa, hai vợ chồng ôm con nhỏ quyết định phải tìm mua một căn nhà để không còn rơi vào cảnh này một lần nữa.
Lương mỗi tháng chỉ hơn chục triệu đồng, vợ chồng chị Thuận đã mua được nhà ở Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Sau khi lên mạng tìm hiểu nhiều dự án giá rẻ, rồi đến tận từng nơi nơi xem nhà, vợ chồng chị Thuận để mắt tới khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp ở Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội) đã ở được 5 năm và được phép chuyển nhượng. Nếu mua thì xong thủ tục là có thể cầm ‘sổ đỏ’ trong tay….
Hai vợ chồng về dồn hết số tiền tiết kiệm cũng chỉ có 250 triệu đồng; rồi lục hết số vàng lúc cưới được bố mẹ, người thân hai bên họ hàng cho tặng mang đi bán, tổng số tiền có được tăng lên 380 triệu đồng.
“Mình làm kế toán ở một công ty tư nhân, còn chồng mình làm kinh doanh cũng ở công ty tư nhân nên thu nhập của hai vợ chồng hàng tháng chỉ khoảng 25 - 26 triệu đồng. Vì thế, chi tiêu tằn tiện cũng bỏ ra số tiền tiết kiệm không được nhiều”, chị Thuận cho hay.
Tiền thuê nhà hàng tháng, tính cả điện nước rơi khoảng 4 – 4,5 triệu đồng. Nhưng nếu cứ đi thuê nhà đến lúc chủ nhà lấy lại rồi đi tìm nhà khác cũng rất bất tiện, nên vợ chồng chị Thuận đã quyết định mua nhà.
Căn hộ chung cư 70m2, giá 1 tỷ đồng được vợ chồng chị Thuận mua lại ở dự án nhà ở xã hội Kiến Hưng khi đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định.
Căn hộ diện tích 70m2, giá 1 tỷ đồng tại dự án nhà ở xã hội Kiến Hưng đã được vợ chồng chị Thuận chốt mua khi trong tay có 380 triệu đồng.
Lúc đó, bố mẹ đẻ chị Thuận cùng các bác mỗi người cho vay vài chục triệu đồng, số tiền tăng thêm được 200 triệu đồng. Cầm 580 triệu đồng trả tiền nhà, còn thiếu 420 triệu đồng, hai vợ chồng giải quyết bằng cách vay ngân hàng bằng chính sổ đỏ của căn hộ mình mua.
Thời điểm năm 2020, chị Thuận vay ngân hàng được hưởng chính sách hai năm đầu lãi suất ở mức 7,8%/năm và từ năm thứ ba trở đi lãi suất là 9,8%/năm.
“Khi mua được nhà, vợ chồng mình cảm thấy rất thoải mái và hạnh phúc khi đó là tài sản lớn tự đôi bàn tay của hai vợ chồng làm ra. Cảm giác vô cùng khác khi ở trong căn nhà thuê trọ. Đồ đạc có thể mua sắm dần theo tài chính. Căn hộ lúc mua đã có nội thất cơ bản đầy đủ hết, mình chỉ sơn lại tường và mua bếp từ mất khoảng 30-40 triệu đồng”, chị Thuận chia sẻ thêm.
Nếu xác định mua nhà thì đừng chờ đến lúc đủ tiền
Sau khi mua được nhà, việc chi tiêu tiết kiệm, làm thêm để có thể nhanh chóng trả bớt tiền gốc cho ngân hàng được cả hai vợ chồng đồng tâm hiệp lực.Hàng tháng kế hoạch chi tiêu được thắt chặt, cộng với số tiền công ty thưởng vào dịp Tết, tiền làm thêm hai vợ chồng chị Thuận đều tiết kiệm lại. Đầu năm 2022, tức là sau 2 năm mua nhà, vợ chồng chị Thuận trả được số tiền gốc 200 triệu đồng cho ngân hàng, chấp nhận nộp thêm phí trả trước khoản vay để giảm số tiền vay gốc.
Với số nợ gốc còn khoảng 200 triệu đồng nữa, hàng tháng vợ chồng chị chỉ phải trả ngân hàng hơn 4 triệu đồng/tháng thay vì trước đây phải trả hơn 7 triệu đồng/tháng.
Cùng với đó, số tiền vay từ người thân cũng đã trả dần được trên 100 triệu đồng.
Với số tiền vay ngân hàng 420 triệu đồng và vay người thân 200 triệu đồng, sau hai năm tích cóp, vợ chồng chị Thuận đã trả được 200 triệu đồng cho ngân hàng và hơn 100 triệu đồng cho người thân.
“Đến thời điểm này, mình thấy quyết định mua nhà vô cùng hợp lý, bởi chỉ sau 2 năm giá nhà đã tăng lên khá nhiều, như căn này của mình giá hiện 1,3 – 1,4 tỷ đồng thì không thể mua được nữa. Chọn mua căn hộ này mặc dù ở xa trung tâm nhưng lại có mức giá phù hợp với tài chính của vợ chồng mình. Từ chỗ ở đến công ty hai vợ chồng làm việc dao động từ 7-9km, cũng không quá xa.
Nghĩ lại, hai vợ chồng cũng mạo hiểm, lúc đi xem nhà thời điểm đó, chồng mình bảo hay mua căn hộ hơn 50m2, 2 phòng ngủ ở dự án khu đô thị Đại Thanh giá hơn 700 triệu đồng để đỡ gánh nặng tài chính. Thế nhưng, mình nghĩ rằng nếu quyết định mua nhà thì cố gắng thêm một chút, có thể ở xa một chút nhưng đổi lại căn hộ rộng rãi hơn”, chị Thuận chia sẻ thêm.
Từ kinh nghiệm mua nhà ở Hà Nội của mình, chị Thuận cho rằng, vợ chồng trẻ có sức khỏe, chịu khó cày cuốc tốt nhất nên 'liều' vay mượn người thân và ngân hàng để mua nhà với giá tiền vừa sức, chứ không thể chờ đến khi có đủ tiền mới mua nhà.
Nếu xác định mua nhà thì không thể chờ đến khi đủ tiền bởi chờ đến khi tích cóp được một khoản thì giá nhà đã tăng cao hơn.
“Với mức lương hàng tháng mỗi người chỉ 12-13 triệu đồng/tháng, thu nhập của vợ chồng mình cũng là mức thu nhập của nhiều cặp vợ chồng hiện nay, vì thế cách chi tiêu cũng quyết định khá nhiều đến khoản tiền tiết kiệm để mua được nhà.
Đồng thời, phải mạo hiểm, quyết định nhanh, mua đúng thời điểm và chọn dự án phù hợp với mức thu nhập, phải ‘liệu cơm gắp mắm’. Thời điểm vợ chồng mình quyết định mua nhà là đúng đắn, để đến bây giờ có thể vợ chồng mình sẽ tích cóp thêm được một ít nhưng lại có thể không mua được khi giá nhà đã lại tăng cao hơn”, chị Thuận chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân đi mua nhà.
Bạn đang xem: Vợ chồng trẻ lương hơn chục triệu, mua được nhà Hà Nội nhờ biết “liệu cơm gắp mắm”
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- May chiếc áo mất nửa năm, người đàn ông bán giá đến 25 triệu/chiếc
- 'Tôi dự định cầm sổ đỏ đất quê để mua nhà thành phố'
- Tiền không đủ mua nhà thì nên làm gì?
- Vợ chồng 9X tiết lộ 2 lần mua nhà tiền tỷ không vay ngân hàng một xu
- Mua nhà chung cư 50 năm, tôi dư tiền đầu tư đất lãi vài tỷ đồng
- Đi vay để mua nhà, người trẻ cần lưu ý những gì?