Virus bị xóa sổ gần 50 năm trước bất ngờ 'tái xuất' ở Anh
Các cơ quan y tế ở Anh ban bố sự cố quốc gia sau khi phát hiện dấu vết của virus bại liệt trong cống rãnh London.
Theo New York Times, mặc dù chưa có ca mắc bại liệt nào được xác định, giới chức y tế Anh vẫn khuyến cáo người chưa được tiêm phòng vaccine nên tiêm chủng ngay lập tức. Cơ quan An ninh Y tế Vương Quốc Anh (UKHSA) nhấn mạnh họ chỉ sử dụng thuật ngữ “sự cố quốc gia” để phác thảo phạm vi của vấn đề, nguy cơ với cộng đồng nhìn chung vẫn thấp.
Virus đã bị xóa sổ "tái xuất"
Theo tiến sĩ Vanessa Saliba, nhà tư vấn dịch tễ học cho UKHSA: “Hầu hết dân số Vương quốc Anh được bảo vệ khỏi virus này nhờ việc tiêm chủng khi còn nhỏ. Tuy nhiên, ở một số cộng đồng có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp, nhiều cá nhân vẫn có thể gặp rủi ro”.
Trường hợp mắc bệnh bại liệt cuối cùng ở Anh là vào năm 1984. Năm 2003, quốc gia này tuyên bố đã xóa sổ bại liệt. Trước khi có vaccine bại liệt, căn bệnh khá phổ biến ở Anh với 8.000 ca mắc mới mỗi năm.
Theo tiến sĩ Shahin Huseynov, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giới chức y tế Anh xác định được virus gây bại liệt (poliovirus) trong một số mẫu nước thải ở London. Phân tích di truyền cho thấy các mẫu có chung nguồn gốc, rất có thể là của một cá nhân đến nước này du lịch vào đầu năm 2022.
Guardian cho hay các mẫu nước thải chứa virus bại liệt dấy lên báo động vì chúng có liên quan đến nhau. 4 mẫu còn lại được cho là ở trẻ em chưa tiêm vaccine. Đặc biệt, chúng chứa các đột biến cho thấy virus đang tiến hóa khi lây lan từ người sang người. Hiện chưa rõ mức độ lây lan của virus, nhưng nó có thể chỉ giới hạn trong một hộ gia đình hoặc một đại gia đình.
Ngõ Brick, ở phía đông London, nơi các cơ quan y tế Anh tìm
thấy bằng chứng về sự lây lan cục bộ của virus bại liệt. Ảnh: Mary
Turner/The New York Times.
Mỗi năm, các xét nghiệm về nước thải của Vương quốc Anh thường phát hiện một số ít virus bại liệt không có mối liên hệ với nhau. Những người này là du khách từ quốc gia khác đã uống vaccine bại liệt và sau đó du lịch đến Vương quốc Anh. Họ có thể đào thải virus sống đã suy yếu (được dùng trong vaccine mà họ uống) qua phân trong vài tuần.
Ở Anh, vaccine bại liệt được điều chế từ loại virus bất hoạt. Sau khi người dân được tiêm chủng, virus này không thể đào thải qua phân.
Nhưng một số quốc gia, họ sử dụng vaccine bại liệt uống có chứa phiên bản virus sống đã được làm suy yếu. Vì vậy, người uống vaccine có thể thải virus bại liệt qua phân trong thời gian ngắn. Các nhà nghiên cứu của Anh cho rằng đây là lý do khiến các mẫu nước thải gần đây ở quốc gia này phát hiện mẫu virus.
Trong những tháng gần đây, loại vaccine này chỉ được sử dụng ở Afghanistan, Pakistan và một số quốc gia tại Trung Đông, châu Phi, TS Huseynov nói.
Giới chức y tế Anh đang thu thập thêm các mẫu khác và cố gắng xác định nguồn gốc của virus. Nhưng nhà máy xử lý nước thải cho biết số mẫu của 4 triệu người là thách thức khi xác định nguồn gốc của nó.
Tại Vương quốc Anh, 95% trẻ em 5 tuổi đã tiêm vaccine bại liệt. Riêng tại London, tỷ lệ bao phủ kém hơn với 91,2%.
Căn bệnh từng là nỗi khiếp sợ với nhân loại
Bại liệt là bệnh có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Trong quá khứ, nó là nỗi khiếp sợ trên toàn cầu với hàng nghìn ca tử vong và hàng trăm nghìn người phải sống chung với di chứng tàn tật suốt đời.
Virus Polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết. Tại đây, một số ít virus bại liệt xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não.
Poliovirus có thể lây lan qua vệ sinh tay kém, thức ăn và nước bị ô nhiễm. Một số ít lây qua ho, hắt hơi. Con đường lây truyền phổ biến nhất là mọi người bị nhiễm virus sau khi đi vệ sinh, virus theo tay xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta chạm vào thực phẩm.
Virus bại liệt đã bị xóa sổ cách đây gần 50 năm nhưng bất ngờ
xuất hiện trong các mẫu nước thải ở Anh. Ảnh: Guardian.
Hầu hết người bị bại liệt không có triệu chứng, nhưng một số có tình trạng giống cúm trong 3 tuần. Trong khoảng 1/100-1/1000 người mắc bệnh, virus tấn công các dây thần kinh ở cột sống và não, có thể dẫn đến tê liệt, thường gặp nhất là ở chân. Trong một số trường hợp hiếm, virus tấn công các cơ hô hấp có thể gây tử vong.
Bệnh bại liệt được chia làm ba thể.
Ở thể nhẹ, các triệu chứng thường gặp nhất giống bệnh nhiễm trùng do virus khác gây ra như sốt cao, đau đầu, mất ngủ, rát cổ họng, buồn nôn và nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy. Bệnh có thể hồi phục trong vài ngày.
Thứ 2 là bại liệt thể không liệt hay còn gọi là thể viêm màng não vô khuẩn, biểu hiện thường gặp nhất là đau đầu, cứng cổ, và thay đổi chức năng tâm thần.
Thứ 3 là bại liệt thể liệt, triệu chứng phổ biến nhất là sốt và sau đó đau đầu, cứng cổ và lưng, táo bón và nhạy cảm khi bị chạm vào người. Bệnh nhân dần dần mất cảm giác và vận động ở phần dưới của cơ thể dẫn đến liệt không đối xứng. Sau đó bệnh nhân sẽ phục hồi dần trong vòng từ 2 đến 6 tháng. Trong các trường hợp nặng hơn, nếu liệt cả tủy sống và hành tủy có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong
Trong những thập kỷ gần đây, bệnh bại liệt hầu như bị xóa sổ nhờ nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Các ca bệnh đã giảm 99% kể từ năm 1988. Thời điểm đó, bệnh lây lan ở 125 quốc gia với 350.000 ca trên toàn thế giới. Phiên bản "hoang dã" của virus bại liệt hiện chỉ còn tồn tại ở Afghanishtan và Pakistan.
Bạn đang xem: Virus bị xóa sổ gần 50 năm trước bất ngờ 'tái xuất' ở Anh
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Thêm người chết vì loại virus gây tử vong tới 90%
- Châu Âu ghi nhận virus gây xuất huyết ở mắt, tỷ lệ tử vong đến 30%
- Loại virus gây tử vong tới 90% khiến WHO lo lắng
- Virus hiếm gây tử vong gần 100% 'tái xuất'
- Justin Bieber bị liệt nửa mặt do nhiễm virus hiếm
- Loại virus có thể gây tử vong tới 40% chỉ sau cơn sốt