Vì sao giá xăng không giảm hơn 4.000 đồng/lít?
Do quỹ bình ổn vẫn âm, cơ quan chức năng đã trích lập gần 1.000 đồng/lít khiến giá xăng không thể giảm sâu tới hơn 4.000 đồng. Đây là mức trích lập cao kỷ lục.
Từ 0h ngày 11/7, sau khi áp dụng giảm thêm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 3.110 đồng/lít còn 27.780 đồng/lít và xăng RON 95 giảm 3.090 đồng/lít còn 29.670 đồng/lít.
Giá xăng kỳ này được điều chỉnh trùng với thời điểm nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực. Theo đó, giá xăng dầu thành phẩm giảm mạnh kết hợp thuế môi trường giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500-700 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn... nên giá các mặt hàng này đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Đáng chú ý, lần này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiến hành trích lập quỹ bình ổn ở mức cao. Cụ thể, 950 đồng/lít/kg đối với 2 mặt hàng xăng và dầu mazut; 800 đồng/lít đối với dầu hỏa, 550 đồng/lít với dầu diesel.
Nếu cơ quan điều hành không trích lập, giá xăng đã có thể giảm tới 4.040-4.060 đồng/lít và dầu diesel cũng có thể giảm tới hơn 3.500 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành này, xăng E5 RON 92 đã giảm 10,07%; xăng RON 95 giảm 9,43%; dầu diesel giảm 10,19%. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm của thế giới.
Theo số liệu của cơ quan điều hành, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành ngày 11/7 giảm 11,8-12,9% so với kỳ trước. Cụ thể xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) còn 128,7 USD/thùng, giảm 12,9%; xăng RON 95 còn 136,5 USD/thùng, giảm 11,8%; dầu diesel còn 146,7 USD/thùng, giảm 12,3%...
Việc trích quỹ bình ổn ở mức cao trong kỳ điều chỉnh này là một trong những nguyên nhân khiến mức giảm giá xăng trong nước thấp hơn so với thế giới. Do đó, giá xăng ngày 11/7 có mức giảm thấp hơn tức chỉ được điều chỉnh giảm khoảng 2.000-3.000 đồng/lít/kg, tùy các loại.
Cơ quan điều hành lý giải quỹ bình ổn đã được sử dụng liên tục để bình ổn giá xăng dầu trong nước nên số dư hiện ở mức thấp, tại nhiều doanh nghiệp đã bị âm. Để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn tới khi thị trường vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn, kỳ điều hành lần này cơ quan điều hành quyết định tăng trích lập ở mức hợp lý, đồng thời vẫn ưu tiên giảm mạnh giá các mặt hàng xăng dầu.
Bên cạnh đó, theo liên Bộ việc này để bảo đảm góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý...
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu không còn nhiều, các doanh nghiệp lớn âm quỹ. Trong đó, Petrolimex âm 140 tỷ đồng (đến ngày 11/7), PVOil âm 1.099 tỷ đồng (tính đến 1/7)...
Đây là lần giảm thứ 2 sau bảy lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay của giá xăng, dầu trong nước. Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Hiện, giá các mặt hàng xăng đã xuống dưới mức 30.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào thời điểm giữa tháng 3.
Bạn đang xem: Vì sao giá xăng không giảm hơn 4.000 đồng/lít?
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Giá xăng tiếp tục giảm trong kỳ tới, liệu có về ngưỡng 23.000 đồng/lít?
- Khi nào giá xăng dầu có thể về 22.000 đồng/lít?
- Giá xăng giảm mạnh đến 3.600 đồng/lít, về lại mức giá trước 5 tháng trước
- Xăng sắp về 26.000 - 28.000 đồng/lít?
- Giá xăng tiếp tục giảm mạnh từ ngày 21/7?
- Dầu thô lao dốc, giá xăng sẽ giảm thêm 3.000 đồng/lít?