Vì sao Facebook, Google quảng cáo chuẩn như nghe lén người dùng
Nhiều quảng cáo xuất hiện đúng như thông tin trong cuộc trò chuyện của người dùng. Dù vậy, thực tế là Google, Facebook không cần nghe lén để phân phối các nội dung kiểu này.
Nhiều người nghi ngờ việc các ứng dụng trên di động bí mật nghe lén mình để lấy thông tin quảng cáo. Những ý kiến dạng “chắc chắn điện thoại đã nghe lén vì quảng cáo hiện lên đúng như những gì tôi nói với bạn mình” dễ dàng được tìm thấy.
Thực tế, việc các mẫu quảng cáo điện tử nhắm chuẩn mục tiêu, sát với nhu cầu, nội dung trao đổi của người dùng không hề hiếm. Do đó, việc nghi ngờ nhà quảng cáo nghe lén là có cơ sở. Tuy nhiên, những giả thuyết dạng này không thực tế.
Điện thoại thật sự không nghe lén
Có nhiều nghi ngờ, cáo buộc, nhưng chưa có bằng chứng nào được tìm thấy để chứng minh việc các mạng xã hội sử dụng điện thoại nghe lén người dùng cho mục đích quảng cáo. How to Geek khẳng định thiết bị di động không bị khai thác để ghi lại các nội dung trò chuyện cá nhân và tải lên máy chủ từ xa.
Điện thoại đôi khi ghi âm hội thoại của người dùng, nhưng không phải cho mục đích quảng cáo. Ảnh: HowtoGeek.
Điều này có vẻ khó tin trước mức độ chính xác của các nội dung quảng cáo. Hiện tại về mặt kỹ thuật, trợ lý ảo như Alexa, Google Asistant tự động ghi lại đoạn âm thanh khi được đánh thức bằng khẩu lệnh. Một số nội dung sẽ được tải lên máy chủ để tinh chỉnh mức độ chính xác của máy học. Do đó, một phần những gì chúng ta trao đổi có thể được một ai đó nghe lại ở đâu đó.
Tuy nhiên, những đoạn ghi âm này không phải cách những quảng cáo “rùng rợn” xuất hiện. Các nhà quảng cáo lấy thông tin, giám sát chúng ta bằng phương pháp đáng sợ hơn nhiều.
Google, Facebook chẳng cần nghe lén
So với nguy cơ bị nghe lén cho quảng cáo, việc các công ty Internet dễ dàng phán đoán nhu cầu của người dùng tiềm ẩn nhiều vấn đề hơn. Không cần dùng các đoạn ghi âm bí mật, nhà quảng cáo có thể phán đoán gần như chính xác những gì khách hàng nói và nghe.
Các nền tảng Internet có lượng dữ liệu lớn của người dùng mà không cần nghe lén. Ảnh: Netflix.
Họ nắm bắt xu hướng thịnh hành và ghép chúng với thông tin cơ bản về người dùng mà công ty sở hữu như nhân khẩu học, vị trí, lịch sử tìm kiếm, thói quen mua sắm, vòng lặp hàng ngày… Từ những dữ liệu này, Google, Facebook đánh giá khách hàng (và các vòng kết nối xung quanh) đang quan tâm đến điều gì.
Ví dụ, có hai người gặp mặt tại một quán cà phê. Người thứ nhất đã xem qua giá của một món đồ trên Amazon. Sau đó trong cuộc trò chuyện, họ tình cờ nhắc đến món đồ đã tìm kiếm trước đó. Người thứ 2 không quan tâm đến món đồ đó, nhưng ngay khi mở trình duyệt, nó lại xuất hiện ở đầu mục quảng cáo trên điện thoại.
Với tâm lý bình thường, người dùng dễ dàng đổ lỗi cho chiếc điện thoại đã cố tình nghe lén, lấy thông tin cho quảng cáo. Nhưng thực tế, Google chỉ cần dùng vài điểm dữ liệu cơ bản và ghép chúng lại với nhau. Công ty này có lịch sử trình duyệt web, thông tin nhân khẩu học và vị trí từ điện thoại của 2 người. Không cần ghi âm để phán đoán được việc những người này có liên quan đến nhau.
Vì vậy, việc món hàng được đề cập trong cuộc trò chuyện xuất hiện quảng cáo chỉ là một tình huống trùng hợp ngẫu nhiên.
Nghe lén để chạy quảng cáo không thực tế
Phương pháp các nhà quảng cáo đang thực hiện có độ chính xác cao và tối ưu hơn nhiều việc nghe lén. Về kỹ thuật, phần mềm trên điện thoại có thể ghi âm và tải lên đám mây cho mục đích khác. Nhưng toàn bộ các tác vụ đó có thể tạo ra áp lực lên phần cứng thiết bị. Nó dễ dàng làm nóng máy, cạn pin, tiêu tốn dữ liệu di động và ảnh hưởng đến ứng dụng khác. Chỉ những phần mềm gián điệp, nghe lén mới dùng cách này.
Nghe lén không phải cách tối ưu cho mục đích quảng cáo. Ảnh: Hacker News.
Đồng thời về mặt dung lượng, bản ghi âm đủ tốt để phân tích giọng nói nặng hơn nhiều dữ liệu duyệt web hay vị trí gần đây. Google, Facebook phải dùng các hệ thống mạnh hơn gấp nhiều lần để lưu trữ, xử lý thông tin thu thập từ hàng tỷ chiếc smartphone cùng lúc.
Mặt khác, không phải phần dữ liệu “nghe lén” nào cũng có ích. Nội dung trao đổi của người dùng, có thể đã được nhà quảng cáo nắm từ lâu, từ phương pháp phân tích phía trên. Đôi khi cuộc trò chuyện cũng chỉ là tán gẫu, không có thông tin hữu ích cho mục đích kiếm tiền của những công ty Internet.
Ngoài ra, con người có thói quen nói dối về sở thích của họ trong trò chuyện hàng ngày. Đôi khi chúng ta giả vờ quan tâm đến câu chuyện, sở thích của người thân, bạn bè để tránh làm đối phương phiền lòng. Các thông tin này trở nên vô ích với nhà quảng cáo. Ngược lại, lịch sử duyệt web, thông tin vị trí lại không biết nói dối.
Cách ngăn chặn những quảng cáo đáng sợ
How to Geek cho rằng việc tắt quyền truy cập micro của điện thoại không thực sự mang lại quyền riêng tư như người dùng kỳ vọng. Thực tế, gần như không có cách nào để bảo vệ hoàn toàn trước việc bị theo dõi trên Internet.
Điện thoại thông minh như một miếng bọt biển hấp thu đủ loại dữ liệu và cung cấp cho ứng dụng. Người dùng có thể giảm thiểu lượng thông tin cá nhân bị thu thập, chia sẻ bằng cách điều chỉnh quyền riêng tư trên tài khoản Google. Việc sử dụng thêm các công cụ khác, thay thế cho bộ ứng dụng phổ biến là một phương pháp hạn chế dữ liệu các nền tảng có thể chiếm đoạt.
Sử dụng VPN, chế độ ẩn danh trên trình duyệt có thể khiến hoạt động trên Internet khó theo dõi hơn với nhà quảng cáo. Tính năng hạn chế theo dõi, thu thập thông tin trên iOS cũng là một lựa chọn tốt.
Tuy nhiên, các biện pháp có giá trị giảm thiểu, không thể khiến việc theo dõi bị chấm dứt. Bản thân từng hoạt động nhỏ của người dùng đều để lại dấu vết điện tử để các công ty truy vết. Ngay cả việc tắt GPS cũng không thật sự hiệu quả như người dùng nghĩ. Các điểm dữ liệu khác như Bluetooth, Wi-Fi ở gần tạo ra trạm trung chuyển cho việc theo dõi vị trí.
Vì vậy, vấn đề bị nghe lén cho mục đích quảng cáo không đáng ngại. Nếu không thoải mái bởi các quảng cáo, người dùng chỉ có thể hạn chế bằng cách giảm thiểu sử dụng, mang theo điện thoại thông minh.
Bạn đang xem: Vì sao Facebook, Google quảng cáo chuẩn như nghe lén người dùng
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm