Tưởng rối loạn tiêu hóa, người phụ nữ Hà Nội phát hiện mắc ung thư giai đoạn muộn
Suốt 3 tháng uống thuốc rối loạn tiêu hóa vì đầy hơi nhưng không đỡ, người phụ nữ 39 tuổi ở Hà Nội đi khám nhiều nơi, nhận tin mắc ung thư buồng trứng thể hiếm gặp, độ ác tính cao, tiến triển nhanh.
Chị N.T.H (39 tuổi, Hà Nội) thấy bụng đầy hơi 3 tháng nay, nghĩ có vấn đề về tiêu hóa nên chị đi khám tại phòng khám tư, uống thuốc không đỡ. Đi khám ở bệnh viện gần nhà, rồi lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị không ngờ mắc u ác tính hiếm gặp.
Kết quả siêu âm tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho thấy bệnh nhân có một khối u buồng trứng to, bên trong khối u giàu tín hiệu mạch, nhiều dịch tự do ổ bụng.
Xác định khối u có nguy cơ cao là ung thư, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân chụp cộng hưởng từ (MRI), kết quả cho thấy hình ảnh nang đa thùy có thành phần đặc, tính chất ác tính, nhiều đám và nốt phúc mạc ổ bụng và tiểu khung.
Chẩn đoán người bệnh có u ác buồng trứng, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt u, khối u sau mổ được sinh thiết. Kết quả, chị H. có u túi noãn hoàng buồng trứng.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 tiếng căng thẳng. TS Nguyễn Đức Phúc, khoa Ung bướu Phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đánh giá đây là ca phẫu thuật phức tạp do ổ bụng bệnh nhân có hơn 3 lít dịch hồng loãng; khối u buồng trứng to, kích thước 7x9x10cm; phúc mạc tiểu khung và trực tràng có rất nhiều nhân di căn; khối u đã xâm nhập các tạng xung quanh và trực tràng.
Sau khi loại bỏ khối u, bệnh nhân tiếp tục được điều trị hóa chất. Sau 4 chu kỳ điều trị, chị H. đáp ứng thuốc tốt, tình trạng của người bệnh đã cải thiện.
Thăm khám cho bệnh nhân H. sau khi phẫu thuật, điều trị hóa
chất. Ảnh: BVCC
ThS Nguyễn Khắc Toàn, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, chia sẻ đây là khối u có chỉ số ung thư AFP rất cao, lên tới 26352, trong khi chỉ số này ở người bình thường là dưới 7.
"Bệnh nhân được phát hiện muộn, khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn III-C, nếu được phát hiện sớm khi bệnh ở giai đoạn I-C hoặc giai đoạn II thì hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều", bác sĩ Toàn cho hay.
Ung thư buồng trứng là một trong số các bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh này. Trong các loại ung thư buồng trứng, u tế bào mầm ác tính xếp hàng thứ 2 (chiếm 15%, xếp sau ung thư biểu mô).
U túi noãn hoàng buồng trứng là một loại u tế bào mầm buồng trứng ác tính hiếm gặp, có độ ác tính cao, tiến triển nhanh. Một báo cáo khoa học của Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) dẫn dữ liệu từ nhiều nghiên cứu cho thấy u túi noãn hoàng thường xuất hiện ở phụ nữ dưới 30 tuổi, hiếm gặp ở tuổi sau 50.
Loại u này thường không có triệu chứng đặc hiệu, thường có khối u to ở hạ vị, không có triệu chứng nội tiết. Nhiều bệnh nhân đến viện với triệu chứng đau bụng dữ dội một bên hố chậu, buồn nôn, nổi cục ở bụng, chướng bụng, sốt, là những dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề về tiêu hóa.
Là loại u tiến triển nhanh nên thời điểm bệnh nhân được chẩn đoán, đa số đều có u kích thước lớn.
Bảy dấu hiệu ung thư buồng trứng thường bị coi nhẹ nhưng cần đi khám:
- Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón
- Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang
- Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt
- Đau khi quan hệ tình dục.
Ai có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng
- Phụ nữ có mẹ, con, chị, em gái mắc bệnh ung thư buồng trứng.
- Phụ nữ xét nghiệm có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.
- Được bác sĩ cung cấp thông tin trong gia đình có gene di truyền ung thư đại trực tràng (còn gọi là hội chứng Lynch II).
- Từng bị bệnh lạc nội mạc tử cung.
- Có dùng thuốc nội tiết sau mãn kinh.
Bạn đang xem: Tưởng rối loạn tiêu hóa, người phụ nữ Hà Nội phát hiện mắc ung thư giai đoạn muộn
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe