Túi nilon đựng đồ ăn nóng độc hại thế nào?
Theo chuyên gia việc đựng đồ ăn nóng trong túi nilon vô cùng độc hại, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ trên Báo Vietnamnet, chúng ta đang sử dụng phần lớn túi nilon tái chế gây nhiều nguy cơ nhiễm chì, cadimi cho người sử dụng.
Túi nilon có 2 loại. Loại thứ nhất được sản xuất từ 100% các hạt nhựa PV và PP nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất. Loại nhựa này không gây độc hại cho con người.
Loại thứ hai (là loại chúng ta đang dùng phổ biến) chính là túi nilon tái chế từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Trong đó, thậm chí có cả hộp thùng sơn, lọ tẩy bồn cầu... Trong quá trình tái chế, nhựa thủ công sẽ hấp thu các kim loại nặng như cadimi, chì - là những chất dẫn đến bệnh ung thư.
Túi nilong đựng đồ ăn nóng độc hại thế nào?
Theo PGS Thịnh, quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi nilon diễn ra mạnh hơn khi chịu tác động lớn của nhiệt. Túi nilon hoặc hộp xốp để đựng thực phẩm nóng như sữa đậu nóng, nước ngô, nước canh, cơm ở 78 - 80 độ C sẽ khiến các chất phụ gia làm mềm, dẻo, dai túi nilon, gây phản ứng phụ và dễ dàng thôi nhiễm chất độc vào thức ăn.
Một trong những chất đó là chất DOP (dioctin phatalat) giống như hormon nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và trẻ em. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm.
Trang Trí thức trẻ dẫn lại lời của bác sĩ Trần Tuấn Vũ, khoa thận, Bệnh viện The First Affiliated Hospital, Sun Yat-sen University, túi nilon sẽ tan chảy khi đựng canh nóng và nhiều người nuốt vào bụng mà không hay biết.
Những hoá chất này khi vào cơ thể có thể gây rối loạn hormone ở bé trai và bé gái, khiến bé gái ngực phát triển sớm, bé trai mắc hội chứng tinh hoàn ẩn, hen suyễn.
Không chỉ các loại thực phẩm nóng, ngay cả những thực phẩm nguội lạnh nếu đựng trong các loại túi nilon, hộp nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế cũng gây tác hại cho sức khỏe. Đó là những loại thực phẩm có nhiều axit như dấm chua, dưa chua, cà chua, các loại thực phẩm chứa dầu hay các thực phẩm mặn khi đựng trong túi nilon cũng rất nguy hiểm vì có chất điện ly nên khiến việc hòa tan rất nhanh.
Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không được dùng màng bọc thực phẩm nilon lên bề mặt thức ăn để hâm nóng trong lò vi sóng. Sau khi bị quay nóng trong lò vi sóng tới 300 - 500 độ C, các màng bọc nilon này bị chảy nhẽo và chất dẻo sẽ dính vào thức ăn.
Chính vì thế, để sử dụng túi nilon an toàn, người dân nên chọn các loại túi không màu, có độ trong, bóng cao, màu sắc sáng tươi, bề mặt sản phẩm không bị nhám, xước, hạn chế sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn nóng, chua, cay.
Trong trường hợp bất đắc dĩ phải dùng những hộp nhựa, túi zip, hộp xốp đựng thực phẩm, nên ghi nhớ những nguyên tắc:
- Chỉ được đựng những đồ nguội, lạnh và mang tính tạm thời, không để kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày.
- Không đựng thức ăn nóng mà thay bằng những loại hộp sử dụng nhựa đặc, có tính chịu nhiệt cao.
- Chỉ sử dụng một lần, sau đó nên được thu lại và không được dùng để tái chế lại, dùng trong những lần kế tiếp.
Bạn đang xem: Túi nilon đựng đồ ăn nóng độc hại thế nào?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe