Từ vụ 3 bố con bị ngạt trong ô tô: Vì sao lái xe cả ngày không sao, nhưng ngủ trong ô tô chỉ 1 giờ cũng có thể tử vong?
Mới đây, ở Hải Phòng đã xảy ra sự việc đau lòng khi 1 người tử vong, 2 người nhập viện điều trị do ngạt khí khi ngủ trong ô tô để tránh nóng do mất điện vào nửa đêm.
Sáng 2/6, Công an huyện An Lão (Hải Phòng) cho biết, 3 người trong gia đình ở thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão) đã bị ngạt trong xe ô tô, trong đó 1 người tử vong.
Được biết, sự việc xảy ra vào khoảng hơn 3h cùng ngày, do trong khu nhà mất điện nên ông P.V.T (SN 1974) và hai con gái là P.M.H (SN 2003) và P.N.K (SN 2008) đã vào trong xe ô tô để ngủ.
Sau đó, bà L.T.L - vợ của ông T. đã phát hiện chồng và hai con bắt tỉnh trong xe nên đã mở cửa và gọi người đưa đi cấp cứu. Không may sau đó, con gái P.M.H. đã tử vong do ngạt khí.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc đáng tiếc tương tự. Năm 2018, anh V.M.Q - một giám đốc 34 tuổi ở Hải Phòng sau khi về nhà muộn đã đánh xe vào gara gia đình rồi đóng cửa xe bật điều hoà ngủ cũng đã dẫn đến tử vong thương tâm do ngạt khí. Trước đó, vào năm 2008, cũng đã có 2 công chức Hà Nội tử vong ngay trên đường Lê Trọng Tấn với lý do tương tự.
Vì sao ngủ trong ô tô lại dễ dẫn đến tử vong?
Theo các chuyên gia, vì không gian trong ô tô nhỏ, lượng oxy sẽ giảm dần trong quá trình bật điều hoà liên tục và đóng kín cửa. Cùng với đó, xe sau một quá trình dừng lâu một chỗ nhưng vẫn mở máy sẽ dẫn đến hết xăng hoặc nóng máy khiến hệ thống làm mát hệ thống làm mát cưỡng bức không hoạt động gây ra thiếu không khí.
Ảnh minh hoạ
Nếu không có không khí từ bên ngoài lưu thông, hàm lượng CO (carbon monoxide) trong xe tăng cao. Khí CO kết hợp với hemoglobin trong hồng cầu làm biến đổi cấu trúc khiến hồng cầu không thể vận chuyển oxi tới các tế bào cơ thể nên dễ rơi vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh và thậm chí tử vong. Nếu cứu được cũng sẽ sống đời sống thực vật do não bị tổn thương. Đặc biệt đối với tài xế, phụ nữ, trẻ em, người sử dụng rượu bia... càng là đối tượng dễ tổn thương.
Một số mẫu xe đời mới hệ thống điều hòa chuyển linh hoạt giữa hai chế độ lấy gió trong và gió ngoài sau 5 phút để cân bằng lượng không khí. Tuy nhiên, điều hòa hút trực tiếp không khí xung quanh xe vốn bị bao trùm bởi khí xả từ ống pô với hàm lượng CO cao vẫn sẽ khiến người đang ngủ trong xe lịm dần vào cơn hôn mê và mất mạng do ngạt khí.
Làm sao để tránh ngạt khí khi ngủ trong xe?
Nếu trong trường hợp bắt buộc phải ngồi đợi lâu hoặc ngủ trong xe, tài xế nên để cửa kính hé khoảng 1,5 - 2,5cm để không khí trong xe được lưu thông, tránh tình trạng giảm lượng khí oxy. Điều này cũng tránh được những rủi ro có thể xảy ra khi động cơ tắt máy đột ngột hay hệ thống điều hoà hỏng.
Đồng thời, tài xế cũng nên đặt báo thức sau 1 giờ để tránh tình trạng lịm dần trong xe nhưng không hề hay biết và thường ra ngoài hít thở để đảm bảo cơ thể không bị thiếu dưỡng khí.
Đặc biệt không nên đỗ xe ở nơi chật hẹp, ngột ngạt như garage, tầng hầm bởi khi đó ngay cả mở cửa xe vẫn sẽ thiếu oxy.
Tài xế cũng nên điều chỉnh hướng gió điều hòa, tránh gió lạnh phả thẳng vào mặt dẫn đến cảm lạnh, liệt dây thần kinh số 7... ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ.
Cùng với đó, mùa hè là mùa có thể thường xảy ra hiện tượng mất điện vào ban đêm. Thay vì việc ngủ trong xe để xử lý tình trạng nóng bức khó chịu tạm thời nhưng lại gây nguy hại cho sức khoẻ, chúng ta có thể giảm thân nhiệt bằng một số cách:
- Uống thêm nước để giảm thân nhiệt. Nếu cơ thể bị thiếu nước sẽ cảm thấy nóng và khó chịu hơn.
- Đắp vải lạnh, ẩm vào một số vị trí nhiều mạch máu trên cơ thể như gáy, nách, trên cổ tay hoặc trên háng có thể giúp cơ thể giảm nhiệt độ tốt hơn.
- Mặc đồ với các chất liệu thoáng mát và chất liệu thấm hút ẩm như polyester hoặc nylon...
- Thời tiết thường mát hơn vào ban đêm nên có thể mở cửa sổ để đón gió. Mặc dù vậy, vẫn nên tránh nằm thẳng nơi đón gió tránh các vấn đề về sức khoẻ.
Bạn đang xem: Từ vụ 3 bố con bị ngạt trong ô tô: Vì sao lái xe cả ngày không sao, nhưng ngủ trong ô tô chỉ 1 giờ cũng có thể tử vong?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe