Tự chữa cảm cúm cho trẻ, cha mẹ hối hận, phải đưa con đi cấp cứu
Thấy con chảy nước mũi, nghĩ trẻ bị lây bệnh từ bạn ở lớp mẫu giáo, cha mẹ đã tự ý cho dùng thuốc nhưng sau đó phải đưa con vào viện.
Bé trai 4 tuổi ở Hà Nội bắt đầu có các triệu chứng chảy nước mũi cách đây 1 tuần. Gia đình nghĩ rằng con chỉ bị cảm lạnh thông thường do lây từ các bạn ở lớp mẫu giáo, nên tự ý mua thuốc cảm về cho bé uống.
Tuy nhiên, sau hai ngày tự điều trị tại nhà, tình trạng của bé không cải thiện mà còn nghiêm trọng hơn. Nước mũi chảy nhiều, kèm dịch xanh, trẻ sốt cao liên tục, khó thở và có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc.
Lo lắng, cha mẹ vội vàng đưa bé đến bệnh viện. Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm mũi dị ứng biến chứng phế quản, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn do điều trị đúng cách từ đầu. Trẻ được chỉ định nhập viện để điều trị kháng sinh và theo dõi liên tục. Các bác sĩ cho biết, nếu không đưa bé đến bệnh viện kịp thời, tình trạng viêm phổi có thể diễn tiến xấu, gây nguy hiểm cho trẻ.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. (Ảnh: BVCC)
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt, cho biết, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang bước vào giai đoạn chuyển mùa từ hè sang thu. Thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý đường hô hấp phát triển, đặc biệt ở trẻ nhỏ với hệ miễn dịch còn yếu.
PGS An lưu ý những bệnh lý thường gặp trong thời tiết giao mùa người dân nên để ý phòng tránh, thăm khám kịp thời tránh biến chứng:
Theo vị bác sĩ, viêm mũi dị ứng là bệnh phổ biến nhất trong thời tiết giao mùa, với các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi và nước mắt. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm mũi dị ứng có thể trở thành mãn tính và khó điều trị dứt điểm.
Ngoài ra, viêm họng cũng thường gặp với các triệu chứng như đau rát họng, khàn tiếng và ho. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn hoặc virus; nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến viêm phổi và các biến chứng tim mạch.
Bệnh cúm cũng không thể lơ là trong giai đoạn này. Cúm có triệu chứng như sốt nhẹ, đau đầu, ho, đau họng, và có thể gây ra bội nhiễm nguy hiểm. Để phòng bệnh, cần tránh tiếp xúc với người bệnh và duy trì vệ sinh cá nhân.
PGS. An còn lưu ý về tình trạng rối loạn tiêu hóa do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn trong điều kiện thời tiết thất thường. Thời gian từ tháng 9 - 12, là cao điểm của bệnh liên quan đường ruột. Biểu hiện của bệnh liên quan đường tiêu hóa là phát bệnh đột ngột và phần lớn trẻ mắc bệnh thường là sốt cao (38-40 độ C) và có thể kèm theo các biểu hiện như sổ mũi, ngạt mũ, hắt hơi, ho, đau rát họng.
Trường hợp tiêu chảy kèm theo buồn nôn là bệnh lý đã nặng. Khi bị rối loạn tiêu hóa, PGS Hoài An nhấn mạnh, không tự ý mua thuốc uống vì có thể gây nguy hiểm cho người bệnh với các biến chứng mất nước, thậm chí tử vong.
Khi thay đổi thời tiết đột ngột, cơ thể cũng phải thay đổi để thích ứng, từ đó có thể làm quá tải hệ thống tim mạch. Ngay cả những người khỏe mạnh cũng nên đề phòng chứng tăng huyết áp, khó thở, tim đập nhanh do sự thay đổi nhiệt độ dễ gây ra những cơn co thắt nhiều ở mạch máu có thể gây ra nhồi máu cơ tim.
PGS. An khuyến cáo khi có triệu chứng tai mũi họng, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách.
Bạn đang xem: Tự chữa cảm cúm cho trẻ, cha mẹ hối hận, phải đưa con đi cấp cứu
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Cấp cứu vì thói quen nhiều người mắc khi bị cúm
- 6 loại nước giải độc gan tự nhiên, giúp gan khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng
- Thói quen uống cà phê của nhiều người gây hại cho sức khỏe
- Lở loét cơ thể, nhập viện cấp cứu do 'tự làm bác sĩ' tại nhà
- Trào lưu trữ đông trứng ở người trẻ
- Uống mật ong trước khi đi ngủ có tốt cho sức khoẻ?