Trường hợp nào cần tiêm vaccine Covid-19 mũi 4?
Theo các chuyên gia, hiện nghiên cứu về mũi thứ 4 chưa đủ thuyết phục về mặt lợi ích để triển khai đại trà. Ngành y tế chỉ nên tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu các địa phương triển khai thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine Covid-19, trong đó lưu ý tập trung nghiên cứu tiêm mũi 4 và tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi.
Vậy những trường hợp nào cần tiêm mũi 4 là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Bảo vệ nhóm nguy cơ cao
TS Nguyễn Hồng Vũ, thành viên nhóm nghiên cứu vaccine Covid-19 của Viện Nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ, cho rằng với sự biến đổi của các biến chủng mới, hiệu quả bảo vệ lây nhiễm của vaccine hiện tại có lẽ không còn nhiều khi mà kháng thể tạo ra đã "nhắm trượt" quá nhiều.
Việc lấy số lượng bù chất lượng bằng các mũi tăng cường có đặc điểm giống với mũi cơ bản là càng ngày càng kém hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ bệnh nặng của các vaccine vẫn tốt. Điều này có thể thấy qua việc số lượng người nhiễm tăng rất cao nhưng số lượng người trở nặng hoặc tử vong không tăng nhiều.
Theo Reuters, ngày 7/1, Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết khoảng 3 tháng sau khi tiêm mũi 3 vaccine Covid-19, khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ nhập viện ở người từ 65 tuổi trở lên vẫn giữ ở mức cao, khoảng 90%.
Cơ quan này cho biết để so sánh, khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng ở người từ 65 tuổi trở lên sau khi tiêm 2 mũi vaccine giảm xuống còn khoảng 70% sau 3 tháng và còn 50% sau 6 tháng. Chúng cho thấy mũi vaccine thứ 3 tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại bệnh nặng, ngay cả ở những người cao tuổi.
Theo TS Vũ, hiện các nghiên cứu về mũi bổ sung sau mũi thứ 3 vẫn còn rất ít. Chúng ta chưa thể nói là có lợi hay không. Tiêm chủng thêm mũi 4 để tăng kháng thể nhưng người dân vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm.
"Trước mắt, với chủng mới Omicron và vaccine hiện nay, tôi cho rằng mũi 4 không cần tiêm cho đại trà. Ngành y tế chỉ nên tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao như bệnh nền, suy giảm miễn dịch, cao tuổi", TS Nguyễn Hồng Vũ nói.
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, ngành y tế chỉ nên tập trung tiêm mũi 4
vào nhóm đối tượng nguy cơ cao như bệnh nền, suy giảm miễn dịch,
cao tuổi. Ảnh: Chí Hùng.
Đồng quan điểm, TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, cho rằng mũi vaccine Covid-19 thứ 4 chỉ cần thiết với nhóm đối tượng nguy cơ cao và bị suy giảm miễn dịch.
Hiện các nghiên cứu về mũi thứ 4 chưa nhiều và chưa đủ thuyết phục về mặt lợi ích để triển khai cho toàn dân.
TS Minh cho rằng điều quan trọng là các vaccine đang dùng đều không còn hiệu quả phòng lây nhiễm cao với biến chủng mới như Omicron. Vào thời điểm có thể triển khai mũi 4, phần lớn người dân đã nhiễm biến chủng Delta và Omicron. Đây có thể coi là các liều bổ sung hiệu quả cao và có giá trị bảo vệ lâu dài hơn sau khi khỏi.
Với những người đã tiêm 2, 3 liều vaccine và từng nhiễm Omicron, hiệu quả đáp ứng miễn dịch đạt ở mức cao, nhất là nguy cơ bệnh nặng giảm xuống rất thấp.
"Số ca nhiễm cao kỷ lục hiện nay ở nhiều nơi trên toàn quốc nhưng số ca nặng và tử vong lại có xu hướng giảm, điển hình như TP.HCM có những ngày không ghi nhận ca tử vong cho thấy hiệu quả của chương trình vaccine đã đạt mục tiêu", TS Lê Minh phân tích.
Chiến lược cần tập trung
Theo TS Lê Minh, mũi thứ 4 nên là liều vaccine cập nhật với cấu trúc biến thể virus mới như Delta/Omicron, có thể tiêm bổ sung cho người đã khỏi bệnh 6-9 tháng. Ngay cả trong trường hợp đó, nhóm đối tượng thực sự cần bổ sung vaccine cũng không nhiều.
Theo chuyên gia này việc tiêm mũi 4 cần được nghiên cứu, xem xét. Chúng ta không còn thấy nhiều lợi ích từ việc bổ sung liều vaccine thiết kế với biến chủng cũ. Các kháng thể sinh ra không còn đạt hiệu cao trong việc ngăn ngừa Omicron, thời gian bảo vệ rất ngắn.
Bên cạnh đó, ta cũng không thể tiêm liên tục sau vài tháng vì hệ miễn dịch sẽ có nguy cơ suy yếu, tăng các nguy cơ tác dụng phụ không mong muốn.
"Ở giai đoạn này, chi phí bỏ ra tiêm vaccine cho tất cả người dân quá lớn so với lợi ích đem lại, khác với giai đoạn cần mũi một và 2", TS Bùi Lê Minh cho biết.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân Hà Nội. Ảnh:
Thạch Thảo.
Vị chuyên gia này cho rằng chiến lược Việt Nam cần tập trung hiện nay là bình ổn thị trường thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.
Các đơn vị liên quan phải kiểm soát thị trường tốt để giảm tác hại của việc sử dụng thuốc, phương pháp điều trị hiệu quả thấp, không hiệu quả hay thậm chí gây hại cho người bệnh.
Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc và trang thiết bị y tế để người dân có thể dễ dàng tiếp cận, tự chăm sóc sức khỏe khi nhiễm bệnh.
Quỹ vaccine nên để đặt hàng cho vaccine thiết kế cập nhật thay vì mua vaccine thế hệ đầu.
TS Nguyễn Hồng Vũ cũng cho rằng cần có những mũi vaccine cải tiến để theo kịp sự thay đổi của biến chủng mới, làm tăng lại hiệu quả bảo vệ lây nhiễm của vaccine.
Bạn đang xem: Trường hợp nào cần tiêm vaccine Covid-19 mũi 4?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Vì sao một số người ăn, ngủ cùng F0 vẫn không mắc Covid-19?
- Ngày 4/3, thêm 38.911 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh
- Hà Nội thêm gần 21.400 ca mới, 8.870 ca cộng đồng
- BS nhi khuyến cáo: Sau COVID, nếu thấy con có dấu hiệu này cha mẹ cần đưa đi khám tim sớm
- Các bài tập thở quan trọng giúp giảm khó thở cho bệnh nhân COVID-19
- Tiếp xúc F0 sau bao lâu cần test nhanh Covid-19?