Trước áp lực giá cả ngày một tăng, gia đình tôi đã phải co kéo 'thắt lưng buộc bụng' 7 khoản chi
Tính toán lại chi tiêu của gia đình trong một tuần qua, chị Hoàng Nhâm cho biết, từ tiền đổ xăng, tiền đi chợ, đến dịch vụ cắt tóc đều tăng từ 5.000 đến 20.000 đồng/sản phẩm, dịch vụ.
Cuối tuần qua, chị Hoàng Nhâm (làm công việc văn phòng ở Hà Nội) ghé cửa hàng bán lẻ gần nhà mua gia vị nấu ăn và bất ngờ khi nhiều nhóm hàng dồn dập tăng giá. "Đường, sữa, dầu ăn, mỳ tôm, mắm,... tôi nhẩm tính phải tăng 10-30% so với đầu năm. Thay vì chỉ mất 400.000 đồng sắm gia vị nửa tháng, nay tôi mất thêm 100.000 đồng", chị Nhâm nói.
Ngoài chi phí trên, bình thường bé con nhà chị đi cắt tóc ngoài tiệm chỉ 50.000 đồng, giờ chủ tiệm tính thêm 10.000 đồng. Chị Nhâm đi đổ xăng, thay vì 100.000 đồng/bình để đi trong tuần, giờ phải mất 130.000 đồng.
Chia sẻ về khó khăn chi tiêu trong những ngày gần đây, chị Nhâm nhận thấy kể từ khi xăng tăng giá khiến cái gì cũng tăng theo. Như giá rau cũng đã tăng gấp đôi, bình thường một củ su hào chỉ có giá 5.000 đồng mà giờ lên 10.000 đồng, 1kg rau cải trước chỉ có giá 15.000 đồng nhưng giờ cũng tới 25.000 đồng, 1kg roi vốn chỉ có giá 40.000 đồng, bây giờ cũng lên 60.000 đồng, 1kg cam sành Hà Giang trước có giá 10.000 đồng, giờ thành 30.000 đồng... Chỉ tính riêng các chi phí cơ bản, mỗi tuần chị Nhâm phải chi thêm khoảng 500.000 đồng trong khi thu nhập vẫn vậy.
Choáng với giá cả hàng hóa, thực phẩm đang tăng giá từng ngày, chị Nhâm bắt buộc phải điều chỉnh chi tiêu, thắt lưng buộc bụng hơn.
Ảnh minh hoạ.
Về đi chợ, trước Tết, mỗi ngày chị Nhâm đi chợ mua thức ăn cho cả nhà hết khoảng 200.000 đồng/ngày cũng khá thoải mái mà giờ cũng 200.000 đấy nhưng không thể mua được đồ như trước. Giờ đi ra chợ là chóng mặt vì giá. Có hôm mua không điều chỉnh kỹ, lên tới 300.000 đồng/ngày.
Để tiết kiệm chi tiêu, thay vì mua thực phẩm tươi sống như trước, chị Nhâm đã tính toán chuyển sang mua rau, củ nhiều hơn, tất cả đều giảm số lượng cần mua. Đối với mặt hàng nào tăng giá cao, chị sẽ không mua và chuyển sang mua mặt hàng khác để nấu với giá rẻ hơn. Thậm chí, chị Nhâm còn nghĩ tới việc sẽ chuyển sang đi chợ buổi chiều, hàng còn ế, người ta bán rẻ, lại dễ dàng trả giá.
Và trước khi đi chợ chị Nhâm lên danh sách món đồ cần mua và định lượng cụ thể để tránh tình trạng lan man, tốn kém.
Về nấu nướng, giá gas tăng cao tới hơn 500k/bình nên chị Nhâm cũng phải tính chuyện nấu ăn từng bữa sao cho tiết kiệm ga. Đôi khi phải chọn những món dễ nấu, nấu nhanh để tiết kiệm gas nhất. Hai vợ chồng bàn bạc nếu giá gas còn tăng thì sẽ nghĩ giải pháp chuyển sang nấu bếp từ hoặc bếp điện để giảm chi phí và an toàn hơn.
Không ăn hàng, hai vợ chồng chỉ ăn cơm nhà. Thay vì bữa trưa giải quyết ở ngoài như trước, hai vợ chồng chị Nhâm tự nấu ở nhà, bỏ vào hộp rồi mang tới công ty. Tính ra mỗi bữa trưa hai vợ chồng nếu ăn ở ngoài hết 100k, mang cơm đi làm chỉ hết 50k là tiết kiệm được một nửa tiền. Chiều tối hai vợ chồng xong việc cũng chạy một mạch về nhà, chồng chị Nhâm cũng gác lại mọi tụ tập bạn bè vừa để tránh dịch, vừa tiết kiệm khoản chi phí cho gia đình.
Ảnh minh hoạ.
Đi chung xe để tiết kiệm xăng. Hai vợ chồng chị Nhâm có lịch làm việc khác nhau, anh làm lúc 8h sáng còn chị vào làm việc lúc 9h. Lúc trước hai vợ chồng đi xe máy riêng. Nhưng trong đợt điều chỉnh giá gần đây nhất xăng đã gần 30k/lít nên để tiết kiệm, chị Nhâm dậy sớm lo cơm nước cho các con để kịp giờ đi làm cùng chồng.
Cắt giảm mua quần áo, mỹ phẩm. Không những thế, chị Nhâm còn xem lại tủ đồ của mình để lọc những món đồ không dùng tới đem bán thanh lý để kiếm thêm tiền.
Bắt đầu ghi chép chi tiêu. Chị Nhâm muốn kiểm soát chặt chẽ các nguồn chi và quản lý chi tiêu của mình bắt đầu từ bây giờ. "Mình muốn tìm ra khoản chi tiêu nhiều tiền nhất trong một tháng để xem có tìm cách cắt giảm được hay không. Nắm rõ chi tiêu và phân bổ cho các khoản thiết yếu sẽ giúp mình không bị phung phí".
Tìm cách tăng thu nhập. Cắt giảm chi tiêu không cần thiết là điều tốt, song cố đến đâu thì chị Nhâm nghĩ cũng chỉ có thể để dành được một số tiền nhất định. Trước cảnh "bão giá" ngày càng tăng, muốn có cuộc sống thoải mái thì song song với tiết kiệm còn cần tìm cách tăng thêm thu nhập. Chị Nhâm đang tìm thêm công việc để làm ngoài giờ hay công việc part-time cho những khoản thời gian rảnh trong ngày.
Bạn đang xem: Trước áp lực giá cả ngày một tăng, gia đình tôi đã phải co kéo 'thắt lưng buộc bụng' 7 khoản chi
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- 10 khoản chi bạn không nên thanh toán bằng tiền mặt
- Giá xăng sẽ giảm mạnh vào ngày mai?
- 8 phụ nữ tiết kiệm hiệu quả chỉ bằng việc thay đổi thói quen chi tiêu hàng ngày trong mùa dịch
- Mách bạn 8 bí quyết để giảm tiền chi tiêu mà không hề ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng cho cả nhà
- Năm bí quyết chi tiêu dịp Tết: Mua đầy đủ đồ mà vẫn tiết kiệm
- 8 sai lầm về chi tiêu sẽ 'giết chết' tài sản ròng của bạn, làm lụng cực khổ mấy cũng vẫn nghèo