Trồng lúa bắt con đặc sản đem bán, nông dân thu 500 triệu đồng/ha
Trên ruộng lúa, người nông dân không chỉ thu được thóc mà còn bắt được con đặc sản đem bán giá cao. Nhờ đó, 1 ha đất lúa có thể thu về 500 triệu đồng, cao gấp chục lần thu nhập trồng lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Năm 2023, xuất khẩu gạo lập kỷ lục lịch sử, giá lúa cũng đạt đỉnh 663 USD/tấn. Người nông dân trồng lúa ở nước ta có một năm bội thu khi năng suất tăng, thóc bán tại chân ruộng được mức giá cao chưa từng có.
Ở các tỉnh phía Bắc, 1 ha lúa cho lợi nhuận khoảng 37 triệu đồng/2 vụ. Còn ở ĐBSCL, người nông dân có thể lãi 2.000-2.500 USD/ha lúa.
Ở Tứ Kỳ, có những vùng trồng lúa, người nông dân bắt rươi đem bán thu vài trăm triệu đồng 1ha (Ảnh: Thu Hằng)
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn chứng về mô hình lúa – rươi - cáy ở Tứ Kỳ (Hải Dương) mà ông dành cả ngày đến thăm và tìm hiểu. Tại đây, ngày trước trồng lúa đơn thuần nông dân chỉ thu 30-50 triệu đồng/ha. Giờ làm lúa - rươi – cáy, bà con Tứ Kỳ thu 500 triệu đồng mỗi ha, cao gấp khoảng 10 lần thu nhập trồng lúa ở ĐBSCL.
Theo Bộ trưởng, con rươi, con cáy phải sống trong môi trường sạch không hoá chất. Có rươi, có cáy tức bà con có hạt gạo siêu sạch. Đây là cách đa gia trị cho cây lúa, chứng minh thương hiệu gạo rươi khác với hạt gạo trên thị trường. Đặc biệt, khi người nông dân kể được câu chuyện sản xuất gắn với văn hóa, lịch sử của vùng đất tới người tiêu dùng thì hạt gạo không còn là hạt gạo, tôi bán hạt gạo và bán luôn văn hoá cảm xúc ở trong đó.
Trên thị trường, các sản phẩm gạo rươi (gạo ruộng rươi) có giá dao động từ 40.000-85.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn rất nhiều so với các loại gạo khác trên thị trường. Trong khi đó, con rươi đặc sản có giá 400.000–700.000 đồng/kg tùy thời điểm.
Ông Phạm Văn Soi ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) đã trồng lúa trên bãi rươi từ nhiều năm nay. Gia đình ông có hơn 1,6 mẫu ruộng, trồng lúa chỉ lấy gạo ăn và tạo mùn để cho rươi và cáy phát triển. Còn thu nhập chính đến từ con rươi đặc sản và con cáy.
Theo ông, con rươi là sinh vật đặc biệt nhạy cảm với các loại hóa chất, nó chỉ sống được với đất và nước sạch. Vì vậy, người dân ở đây trồng lúa đều không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Lúa và rươi cộng sinh trong một môi trường sống, lúa mang lại môi trường thích hợp cho rươi sinh trưởng.
Rươi đặc sản có giá khá đắt đỏ (Ảnh: TL)
Năm ngoái, từ ruộng lúa rươi, gia đình ông Soi thu được trên 300 triệu đồng. Những hộ dân khác có lúa ruộng rươi cũng thu được từ vài trăm triệu cho tới cả tỷ đồng từ tiền bán rươi, bán lúa.
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương đánh giá kết quả thực hiện dự án "Xây dựng mô hình nuôi rươi kết hợp sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" tại xã An Thanh với diện tích 10 ha.
Ba hộ dân tham gia được cung cấp 10 triệu con rươi giống, 330 kg thóc giống ST25. Rươi giống được thả làm nhiều đợt để bảo đảm đủ mật độ. Trong quá trình nuôi thả rươi và cấy lúa, nông dân được sử dụng chế phẩm sinh học xử lý đáy đầm, ruộng rươi.
Kết quả, năng suất lúa mô hình đạt 49,9 tạ/ha, năng suất rươi đạt 9,3 kg/sào. Dự kiến cho thu lãi khoảng 618 triệu đồng/ha.
Huyện Tứ Kỳ hiện có 257 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy tự nhiên. Theo đó, các sản phẩm gạo bãi rươi, rươi cấp đông, cáy cấp đông, chả rươi, niêu rươi được xếp hạng OCOP từ 3-4 sao. Tại các vùng sản xuất hữu cơ này đã hình thành công thức luân canh hiệu quả, bền vững với nhiều tầng khai thác.
Theo Vietnamnet
Bạn đang xem: Trồng lúa bắt con đặc sản đem bán, nông dân thu 500 triệu đồng/ha
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Loại quả dại 'lên đời' thành đặc sản lạ, có tiền khó mua
- Loại rau đặc sản từng có giá cả trăm nghìn/kg, nay chỉ còn 20.000 đồng/kg
- Loại trứng bé tí xíu mà giá bán đến 300.000 đồng/kg vẫn đắt hàng
- Loại chuột “khổng lồ” giá bán 800.000 đồng/kg, có bao nhiêu cũng bán hết
- Loại thực phẩm cứ gần Tết lại “hot”, nữ 8x nhận 50kg sau 2 ngày mở bán
- Quất ghép trên thân lũa giá hàng chục triệu đợi Tết