Top 8 cây quen thuộc chữa cảm sốt theo gợi ý của Bộ Y tế
Từ lâu, người dân Việt Nam đã sử dụng một số loại cây quanh nhà để chữa cảm sốt như húng chanh, kinh giới, rau má…
Theo tài liệu hướng dẫn nhận biết 70 cây thuốc của Bộ Y tế có một số loại chữa cảm sốt. Người dân có thể dễ dàng tìm thấy các dược liệu này ở vườn nhà hoặc mua ngoài chợ. Lưu ý, trước khi sử dụng điều trị bệnh, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên môn của thầy thuốc có kiến thức sâu rộng.
Cỏ mần trầu còn gọi là cỏ chỉ tía, thanh tâm thảo thuộc họ lúa, có thể dùng cả cây. Công năng của loại cỏ này là lương huyết, thanh nhiệt, hạ sốt, giải độc, mát gan, làm ra mồ hôi, lợi tiểu; chữa cảm nắng, cao huyết áp, viêm gan vàng da, dị ứng mẩn ngứa, tiểu khó, nước tiểu đỏ. Người bệnh có thể dùng cây tươi hoặc khô, đun sôi để nguội chắt lấy nước uống.
Cây kinh giới dễ trồng vừa làm rau ăn vừa có tác dụng chữa bệnh. Ảnh: Ban Mai
Cúc hoa còn gọi là kim cúc, hoàng cúc, dã cúc, cam cúc, thuộc họ cúc. Cây chủ trị phát tán phong nhiệt, giải độc, giúp sáng mắt; chữa các chứng đau đầu hoa mắt, chóng mặt, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt, huyết áp cao, mụn nhọt, đinh độc. Hoa dùng dạng khô sắc nước uống.
Cúc tần còn gọi là cây lức, từ bi, phật phà thuộc họ cúc, có thể dùng rễ, lá, cành. Cây có công năng phát tán phong nhiệt, tiêu độc, lợi tiểu, tiêu đàm; chữa cảm mạo phong nhiệt, sốt không ra mồ hôi, phong thấp, tê bại, đau nhức xương khớp. Cúc tần có thể sắc uống chữa bệnh.
Húng chanh còn gọi là dương tử tô, rau thơm lông, thuộc họ bạc hà, có thể dùng lá tươi hoặc phần trên mặt đất cất lấy tinh dầu, giã đắp lên những vết do rết và bọ cạp cắn. Cây có tác dụng ổn phế, trừ đàm, tân ôn giải biểu, giải độc; chữa cảm cúm, sốt nóng về chiều, chữa ho, viêm họng, khản tiếng, chữa thổ huyết, chảy máu cam, táo bón.
Hương nhu tía còn gọi é tía thuộc họ bạc hà, sử dụng các bộ phận trên mặt đất. Công năng của cây là chữa sốt cao, say nắng, nhức đầu, đau bụng, đi ngoài, nôn mửa, phù thũng. Cây có thể sắc hoặc hãm uống. Nếu không có hương nhu tía, có thể dùng hương nhu trắng thay thế.
Kinh giới còn gọi khương giới, giả tô, thuộc họ bạc hà, sử dụng bộ phận trên mặt đất (ngọn mang hoa) sắc hoặc hãm uống. Cây có thể chữa cảm mạo, sốt, nhức đầu, hoa mắt, viêm họng, ngứa, phong trúng kinh lạc, băng huyết, rong kinh, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiện ra máu.
Rau má còn gọi là liên tiền thảo thuộc họ hoa tán, dùng được cả cây. Cây có công năng thanh nhiệt trừ thấp, giải độc, tiêu viêm; chữa sốt, mụn nhọt, vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, táo bón, ho, tiểu tiện rắt buốt. Cây vò nát lấy nước uống hoặc để khô sắc uống, có thể dùng phối hợp với cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu.
Sả thuộc họ lúa, dùng rễ, thân và lá, công năng làm đổ mồ hôi, lợi tiểu, hạ khí, tiêu đờm; chữa cảm sốt, đau bụng, đầy hơi, trướng bụng, nôn mửa, ho nhiều đờm. Cây dùng dạng hãm, sắc.
Bạn đang xem: Top 8 cây quen thuộc chữa cảm sốt theo gợi ý của Bộ Y tế
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Bộ Y tế thông tin về sự cố sữa tiệt trùng bị nhiễm chất tẩy rửa tại Hàn Quốc
- Việt Nam có loại “cây hóa thạch”, mọc dại ở bờ bụi nhưng 'siêu bổ dưỡng'
- Đậu nành, đậu xanh, đậu đen có tác dụng gì?
- Loại cây Việt là “nữ hoàng thảo mộc”, dùng pha trà lợi đủ đường
- Cách sử dụng lá húng chanh tốt cho sức khoẻ
- 8 loại trái cây giúp thanh lọc thận tự nhiên