Tốc độ lây nhiễm của đậu mùa khỉ và SARS-CoV-2 khác nhau thế nào?

Đậu mùa khỉ và Covid-19 đều được Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo là tình trạng y tế công cộng gây quan ngại quốc tế, vậy tốc độ lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ có gì khác so với SARS-CoV-2.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là "tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Chỉ trong 2 tháng qua, từ chỗ có vài chục ca mắc, đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 16.000 ca nhiễm.

Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện mức độ lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ ít hơn so với các bệnh lây qua đường hô hấp nói chung, đặc biệt là SARS-CoV-2. Bệnh lây do tiếp xúc gần mặt đối mặt, miệng đối miệng, da đối da, miệng đối với da… 

Qua một đánh giá ở vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao (như: Anh, Tây Ban Nha chỉ số lây nhiễm là 1 đến 1,8; trong khi đó với SARS-CoV-2, chủng ban đầu khoảng 2,5 - 3,5 sau đó với các thể Delta và Omicron còn cao hơn nữa.

Tốc độ lây nhiễm của đậu mùa khỉ và SARS-CoV-2 khác nhau thế nào?-1
Biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ

Hiện Việt Nam chưa ghi nhận đậu mùa khỉ nhưng nguy cơ lây lan ở nước cao rất cao, nhất là khi việc đi lại thuận tiện và một số quốc gia gần nước ta như: Thái Lan, Singgapore, Đài Loan (Trung Quốc)... đã ghi nhận ca bệnh.

Trao đổi với báo chí, bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết ngày 23-7, dù Ủy ban khẩn cấp chưa có sự đồng thuận nhưng cân nhắc các xu hướng về dịch tễ học mới nổi, sự lây lan giữa các quốc gia, Tổng giám đốc WHO tuyên bố đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ đã đáp ứng các tiêu chí theo điều lệ y tế quốc tế và đã tuyên bố đây là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.

Theo điều lệ y tế quốc tế có 5 yếu tố cân nhắc để xác định đợt bùng phát dịch này có phải là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu không. Đợt bùng phát dịch này đã đáp ứng 3 tiêu chí để công bố tình trạng khẩn cấp y tế gây quan ngại quốc tế. Cụ thể, đợt bùng phát dịch này được coi là một sự kiện bất thường, là một yếu tố nguy cơ y tế công cộng cho các quốc gia thông qua sự lây lan bệnh trên toàn cầu và có khả năng cần sự phối hợp quốc tế trong quá trình đáp ứng dịch.

Bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ học, Trưởng nhóm đáp ứng khẩn của WHO tại Việt Nam, cho biết Việt Nam nằm trong khu vực Tây Thái Bình Dương có mức nguy cơ xâm nhập của bệnh trung bình. Đánh giá này dựa vào các tiêu chí: Mức độ trầm trọng của bệnh, nguy cơ ca xâm nhập và nguy cơ lây lan ở khu vực. Đến ngày 21-7, khu vực Tây Thái Bình Dương có 53 ca bệnh được báo cáo từ 6 quốc gia.

Tuy nhiên, trên thế giới đang có sự gia tăng ca bệnh rất nhanh, từ hơn 3.000 ca bệnh tại 47 quốc gia vào đầu tháng 5 lên đến hơn 16.000 ca bệnh ở 72 quốc gia. Do mở cửa nên nguy cơ có ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Bạn đang xem: Tốc độ lây nhiễm của đậu mùa khỉ và SARS-CoV-2 khác nhau thế nào?

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết