Thị trường ảm đạm, chủ đất vẫn hét giá cao

Qua "sốt đất" thị trường bất động sản rơi vào ảm đạm, nhưng mặt bằng giá rao bán đất nền tại một số tỉnh vẫn tăng. Chuyên gia lý giải nghịch lý này ra sao?

Giá rao bán đất nền ở một số địa phương vẫn tăng

Theo báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu, thị trường bất động sản quý I năm nay vẫn trong tình trạng trầm lắng. Thanh khoản thị trường về đáy xuyên suốt những tháng qua khiến nhiều chủ đầu tư liên tục dời lịch mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch.

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục đợi tín hiệu từ thị trường. Không ít nhà đầu tư cá nhân chờ đợi cơ hội đầu tư vững chắc. Hàng nghìn dự án "án binh bất động" chờ được tháo gỡ.

Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn "sốt đất" nửa đầu năm 2022. Giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra "sốt đất" tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực.

Thị trường ảm đạm, chủ đất vẫn hét giá cao-1

Dù thị trường ảm đạm suốt nhiều tháng qua, nhưng nhiều chủ đất vẫn rao bán giá đất nền tăng (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Còn theo dữ liệu của một đơn vị nghiên cứu về bất động sản, giá rao bán đất nền tại nhiều tỉnh phía Nam và ven biển miền Trung có xu hướng giảm. Cụ thể, đất nền Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu đều giảm giá 6%, các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa giảm 2-11%. Bình Thuận là tỉnh ven biển hiếm hoi chứng kiến sự tăng giá rao bán đất nền lên đến 25% so với quý liền trước.

Đáng chú ý, dù mức độ quan tâm đến đất nền các tỉnh phía Bắc trong quý I năm nay giảm so với quý trước nhưng mặt bằng giá rao bán đất nền tại một số tỉnh vẫn tăng. Trong đó, giá đất nền Hưng Yên tăng 17%, Quảng Ninh tăng 15%, Hải Phòng tăng 4%.

Chuyên gia lý giải nghịch lý

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - nhận định, sở dĩ đất nền một số địa phương vẫn có xu hướng tăng giá rao bán là do kỳ vọng của người mua. Nếu đất ở những khu vực có hạ tầng, tiện ích tốt, hay cạnh khu công nghiệp thì mặt bằng giá sẽ ổn định và có dư địa tăng.

Tuy nhiên, theo ông, còn những loại đất đầu tư không có giá trị sử dụng cao, mua xong để đó thì giá sẽ giảm. Những tỉnh có lượng FDI lớn hầu hết có mặt bằng giá đất nền ổn định, ít khi sụt giảm sâu.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong năm 2023 sẽ không xảy ra cơn "sốt đất". Bởi vì thị trường bất động sản đang ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản thấp, đặc biệt là loại hình đất nền. Tuy nhiên, xét về dài hạn, đất nền vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng nếu biết lựa chọn những sản phẩm đất nền có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền trên chính sản phẩm đó như có thể xây nhà trọ, nhà kho, công xưởng hoặc trở thành căn nhà thứ hai.

"Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội khoảng 49% và TPHCM khoảng 70%, cả nước ta có 8 tỉnh thành có tỷ lệ đô thị hóa trên 50%. Như vậy, vẫn còn dư địa phát triển và nhu cầu về đất đai luôn hiện hữu", ông Quốc Anh nêu.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, trong quý I, tình trạng chờ đợi, trầm lắng vẫn đang tồn tại. Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, có pháp lý tốt, phục vụ nhu cầu thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê cao. Trong đó, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu.

Bạn đang xem: Thị trường ảm đạm, chủ đất vẫn hét giá cao

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết