Thất vọng khi mua quần áo dịp Black Friday
Ngày 25/11, thấy cửa hàng quảng cáo giảm 70%, Cương và Duyên (Hà Nội) vào xem quần áo thì thấy giảm chủ yếu 10-20%. Chính sách khuyến mãi này khiến nhiều người không mua được gì.
Bộ đôi đi quãng đường xa để đến trung tâm mua sắm có nhiều nhãn hàng quốc tế.
Cảnh người mua chen lấn, xếp hàng đông đúc để săn sale tại các cửa hàng thời trang ở Hà Nội và TP.HCM vẫn phổ biến vào dịp Black Friday hàng năm. Tuy nhiên, cũng không ít người “đi vào rồi lại đi ra” tay không vì thất vọng về chính sách khuyến mãi. Nhiều người cho biết họ không còn tin vào những tấm biển sale 50-70% ở các cửa hàng.
Một số người mua vì nhu cầu, không còn nghĩ theo kiểu "đó là ngày Black Friday nên mình phải mua thật nhiều đồ".
Mất niềm tin
Theo ghi nhận của Zing, cách nhiều cửa hàng chọn là giảm giá "nhỏ giọt" hoặc không giảm giá cho các sản phẩm mới dịp Black Friday. Trong khi biển quảng cáo ngoài cửa vẫn ghi mức giảm mạnh. Những sản phẩm giảm giá nhiều thường đã qua trend. Điều đó làm khách có tâm lý hụt hẫng.
Từ 19h ngày 25/11, nhiều người đến các cửa hàng thời trang để săn sale.
Đăng Nguyên (quận 5, TP.HCM) vào một cửa hàng thời trang nam với ý định mua vài bộ quần áo cho dịp Tết sắp đến. Tuy nhiên, anh chỉ bước ra khỏi cửa với món phụ kiện nhỏ. Chia sẻ với Zing, anh cho biết món đồ định mua không giảm giá.
“Vẫn như mọi năm, cửa hàng thời trang trong nước hay giải quyết hàng tồn kho (hàng còn ít mẫu, hàng bán chậm) bằng cách giảm 50-70%. Một số người chấp nhận dù biết hình thức này không quá mới. Các khách hàng có thể hiểu sản phẩm họ bỏ tiền ra mua đã hết mốt nhưng lại hợp túi tiền và phong cách thời trang của mình”, người đại diện truyền thông cho các thương hiệu thời trang tại Việt Nam chia sẻ.
Duyên và Cương cho biết họ hơi hụt hẫng khi thấy mức giá sale ở các thương hiệu quốc tế không quá hấp dẫn.
Bên cạnh đó, người đại diện này cho biết năm nay, mùa lễ hội, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khá gần nhau nên việc giảm giá Black Friday có thể giúp các cửa hàng giải quyết được “kha khá” hàng tồn để tung bộ sưu tập cuối năm. Vấn đề tâm lý của khách hàng trẻ tuổi và thu nhập thấp đi khiến họ thu hẹp mục tiêu là trang phục phù hợp, không lỗi mốt, mức giá rẻ.
Một số người chọn bỏ qua các cửa hàng thời trang nhỏ trong nước và chỉ để ý những thương hiệu quốc tế.
“Tôi chọn mua đồ của thương hiệu quốc tế vì nghĩ ngày này khá phổ biến ở nước ngoài, giá giảm sẽ đậm hơn. Tuy nhiên, khi bước vào cửa hàng, tôi thấy mức giá không như mình mong đợi. Có một số món đồ tôi thấy treo từ mùa này sang mùa khác”, Hiếu Ngân (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ nỗi thất vọng khi đi săn đồ.
Cương và Duyên (quận Đống Đa, Hà Nội) vượt qua đám đông để mua được chiếc túi yêu thích. Đi ngoài đường, cả hai nhìn thấy hãng quảng cáo giảm 70% nhưng vào trong chủ yếu giảm 10-20%. Họ mong đợi mức 50% trở lên vì cho rằng mỗi năm chỉ có một dịp giảm giá lớn nhất.
Không chọn mua trực tiếp, nhiều người quyết định đặt hàng qua trang web hãng quốc tế. Họ có thể mua giá rẻ hơn nhưng lại mất phí vận chuyển cao.
Local brand cao cấp “im lìm”
Trái ngược với khung cảnh giảm giá tràn lan của các cửa hàng nhỏ hay thương hiệu thời trang nhanh quốc tế, những thương hiệu cao cấp trong nước không có động thái hưởng ứng. Thay vì giảm giá, họ tung ra bộ sưu tập mới cho mùa lễ hội cận Tết.
Những thương hiệu như CHATS hay Subtle Studios thông báo ra mắt các sản phẩm mới bắt kịp xu hướng thế giới hoặc bám vào nét truyền thống của Việt Nam. Tương tự, các dòng thời trang công sở phổ biến như HOBB cũng tung ra chiến dịch mới cho mùa Thu - Đông 2022.
Giải thích lý do này, Hà Hoa - quản lý vận hành thương hiệu - chia sẻ: "Thực tế, người có thu nhập ổn định và cao không quan tâm nhiều đến dịp giảm giá mà chỉ chú trọng về chất lượng. Do đó, các hãng cao cấp chỉ kèm theo hình thức tặng quà, voucher là đủ".
Cô cho rằng hướng đi mới hơn cho các hãng lớn trong ngày mua sắm lớn nhất năm là không chạy chương trình khuyến mãi. Thay vì dán biển giảm giá, họ chọn cách chăm sóc khách hàng thân thiết thông qua các chương trình hay món quà tinh tế nhằm củng cố độ tin tưởng, yêu mến. Đây là thời điểm hãng ra mắt bộ sưu tập mới và tiêu chí đẩy mạnh hình ảnh, chú trọng các dòng signature.
Ngoài phần thiết kế, các local brand cần phải cập nhật thêm về chất liệu và kỹ thuật hoàn thiện để sản phẩm ngày càng gần hơn với các thương hiệu nước ngoài. Khi đã chuẩn bị xong sản phẩm tốt, phần còn lại là truyền tải thông điệp tới khách hàng và hoàn thiện trải nghiệm mua hàng.
Các thương hiệu trong nước hiện có chiến lược kinh doanh mới là sản xuất trang phục với số lượng vừa phải khi ra mắt. Họ cũng sản xuất theo yêu cầu của khách hàng.
Những mẫu áo khoác của hãng nước ngoài phù hợp với mùa đông ở Hà Nội được sale mạnh nhưng chúng chủ yếu có size to.
Trước làn sóng ngày càng có nhiều thương hiệu ngoại về Việt Nam, một số người đứng đầu thương hiệu Việt cho biết họ cần phải đẩy mạnh hơn về chất lượng thiết kế. Bởi cốt lõi của bất kỳ thương hiệu nào cũng là sản phẩm.
Bạn đang xem: Thất vọng khi mua quần áo dịp Black Friday
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Cửa hàng ở Hà Nội giảm giá 'đỉnh nóc, kịch trần' tới 90% nhân Black Friday
- Black Friday 2024 là ngày nào để mua hàng giá siêu rẻ?
- Black Friday ở Đà Nẵng ảm đạm, nhiều cửa hàng giảm “sập giá” vẫn vắng người mua
- Vạ vật, xếp hàng cả tiếng đồng hồ mua đồ hiệu giảm giá Black Friday ở Hà Nội
- 'Mách nước' săn sale siêu hời ngày Black Friday
- Cẩn thận chiêu tăng giá cao rồi giảm sốc dịp Black Friday, người mua hớ nặng