Tết cận kề, bỏ 3 loại nồi, chảo tránh nguy cơ nhiễm chất độc
Trong dịp Tết, tần suất nấu nướng của mỗi gia đình thường tăng lên nhiều. Bởi vậy, bạn cần cân nhắc loại bỏ các loại nồi, chảo có nguy cơ phát tán chất độc hại vào thức ăn.
Chọn đúng đồ dùng nhà bếp là điều quan trọng để duy trì lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Một số nồi và chảo có thể giải phóng chất độc hại vào thực phẩm, đặc biệt khi chúng bị hư hỏng hoặc làm từ vật liệu không an toàn. Dưới đây là 3 loại nồi, chảo bạn nên tránh cùng với những lựa chọn thay thế an toàn hơn.
1. Nồi, chảo chống dính bị bong tróc hoặc xước
Nồi, chảo chống dính, thường được phủ bằng Teflon, rất tiện lợi khi nấu ăn. Tuy nhiên, khi lớp phủ bị bong tróc hoặc xước, các hóa chất độc hại có thể bị giải phóng vào thực phẩm.
Theo New York Post, nồi chống dính hỏng bị đun nóng trên 260 độ C có thể giải phóng các khí độc hại, gây ra sốt Teflon. Ngoài ra, lớp phủ chống dính bị bong tróc hoặc xước có thể giải phóng vi nhựa và hóa chất, liên quan đến ung thư và rối loạn nội tiết.
Cách tránh: Thay thế nồi chảo chống dính ngay khi có dấu hiệu bong tróc hoặc xước. Sử dụng dụng cụ nấu ăn bằng gỗ hoặc silicon để không làm xước bề mặt nồi, chảo và tránh sử dụng nhiệt độ cao.
Bạn cần lưu ý về chất lượng của các loại nồi, chảo trong gia đình. Ảnh minh họa: Ban Mai
2. Nồi, chảo bị gỉ sét hoặc biến dạng
Dụng cụ nấu ăn làm từ các vật liệu như sắt hoặc thép có thể bị gỉ theo thời gian, đặc biệt nếu không được bảo quản đúng cách. Gỉ sét là dấu hiệu của tình trạng ăn mòn, cho thấy vật liệu đang bị phân hủy. Theo Verywell Health, các mảnh gỉ có thể làm ô nhiễm thực phẩm. Mặc dù tiêu thụ một lượng nhỏ gỉ sét thường không gây hại nhưng tiếp xúc thường xuyên có thể dẫn đến kích ứng đường tiêu hóa hoặc thậm chí ngộ độc sắt lâu dài.
Biến dạng của nồi chảo do lõm hoặc cong vênh làm giảm sự ổn định và khả năng phân phối nhiệt, dẫn đến thực phẩm chưa chín hoặc cháy, sinh ra các hợp chất có thể gây ung thư.
Cách tránh: Kiểm tra nồi, chảo thường xuyên để phát hiện gỉ sét hoặc biến dạng. Lau khô và lưu trữ dụng cụ nấu ăn ở nơi khô ráo. Hãy thay thế các dụng cụ nấu ăn cũ, hư hỏng bằng các loại vật liệu bền và an toàn hơn như thép không gỉ.
3. Nồi nhôm không có lớp bảo vệ
Nhôm là vật liệu phổ biến để làm nồi, chảo do khả năng dẫn nhiệt tốt và giá thành phải chăng. Tuy nhiên, nhôm không có lớp phủ bảo vệ có thể phản ứng với thực phẩm có tính axit hoặc mặn, khiến các ion nhôm thấm vào thức ăn, liên quan đến các vấn đề thần kinh.
Theo Food Safety News, nấu các món ăn có tính axit, như cà chua hoặc trái cây có múi, trong nồi nhôm có thể làm thay đổi hương vị món ăn và đổi màu nồi.
Cách tránh: Hãy chuyển sang sử dụng nồi nhôm anodized có bề mặt cứng. Các lựa chọn thay thế khác bao gồm thép không gỉ, không phản ứng với thực phẩm và bền lâu, nồi gang tráng men với khả năng giữ nhiệt tốt và an toàn.
Bảo quản nồi, chảo
1. Vệ sinh đúng cách: Tránh sử dụng miếng chùi rửa có tính mài mòn có thể làm hỏng bề mặt nồi, chảo. Thay vào đó, hãy sử dụng chất tẩy rửa nhẹ và miếng bọt biển mềm.
2. Lưu trữ: Cất dụng cụ nấu ăn ở nơi khô ráo, thoáng mát để tránh gỉ hoặc ăn mòn. Để nồi, chảo cách xa nhau tránh xước.
3. Chú ý nhiệt độ: Sử dụng nhiệt độ thấp đến trung bình khi nấu ăn để tránh làm biến dạng hoặc hỏng dụng cụ nấu ăn, đặc biệt là các loại nồi, chảo chống dính và nhôm.
Bạn đang xem: Tết cận kề, bỏ 3 loại nồi, chảo tránh nguy cơ nhiễm chất độc
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Lót giấy bạc trong nồi chiên không dầu có an toàn?
- 1 kiểu dùng nồi chiên không dầu có thể sản sinh ra chất gây ung thư, cẩn thận không gia đình bạn lại phạm phải
- MXH 'phốt' nồi chiên không dầu vì nguy cơ gây ung thư: Chuyên gia chỉ ra 3 điểm sai người dùng hay mắc khi nấu ăn bằng phương pháp này
- Nồi chiên không dầu có nguy cơ gây ung thư? Bác sĩ lý giải sự thật