Tam thất tốt cho sức khỏe nhưng ai không nên dùng?
Tam thất là vị thuốc rất quý và được sử dụng lâu đời tuy nhiên có một số trường hợp không nên sử dụng loại thảo dược này.
Tam thất là loại củ dễ sống và là vị thuốc rất tốt cho sức khỏe, được trồng nhiều ở Việt Nam.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, tam thất đứng đầu bảng trong số các vị thuốc Đông y, dân gian có câu nói “thứ nhất tam thất, thứ nhì nhân sâm”.
Dưới góc độ Đông y, lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, tam thất có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng hóa ứ, tư bổ, cầm máu, tiêu thũng, giảm đau. Tam thất được dùng chữa tất cả các chứng xuất huyết, ngã đau sưng bầm tím, đau tức ngực, u bướu, huyết ứ, bế kinh, thống kinh, sản hậu huyết hư gây đau bụng, các loại mụn nhọt sưng đau, khí huyết lưỡng hư, tức ngực…
Tam thất có nhiều tác dụng với sức khỏe
Theo y học hiện đại, tam thất có các tác dụng như bảo vệ tim chống lại những tác nhân gây loạn nhịp. Chất noto ginsenosid trong tam thất có tác dụng giãn mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi bị thiếu oxy. Nó cũng ức chế khả năng thẩm thấu của mao mạch; hạn chế các tổn thương ở vỏ não do thiếu máu gây ra.
Lương y Bùi Đắc Sáng thông tin thêm, dù tam thất có nhiều tác dụng với cơ thể nhưng do có tính đắng nên rất ít người sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, đa số chỉ dùng kết hợp để làm thuốc.
Lương y khuyên, chúng ta có thể dùng tam thất như một thực phẩm, đồ uống bằng cách nấu chung với các thực phẩm khác, nhất là món hầm hoặc có thể pha chế thành nước uống cũng rất tốt cho cơ thể.
Không chỉ củ tam thất, các bộ phận khác như thân, lá, hoa tam thất cũng có nhiều tác dụng với sức khỏe, đặc biệt là hoa.
Cụ thể, hoa tam thất được dùng khi còn tươi hoặc đã phơi khô. Loại hoa này có thể sử dụng hằng ngày bằng cách dùng 2 - 4g pha với nước sôi lấy nước uống cho đến khi hết vị ngọt, đắng.
Loại nụ hoa này được chứng minh là vị thuốc rất tốt cho hệ tim mạch nên bệnh nhân tim mạch nên sử dụng để có một trái tim khỏe mạnh. Hoa tam thất có hoạt chất chính giống hoạt chất có trong nhân sâm như: Rb1, Rb2... có tác dụng thanh nhiệt giải nhiệt rất tốt, điều hòa chức năng của tạng can giúp hạ huyết áp và an thần, trấn tĩnh.
Nụ hoa tam thất thường được dùng để chữa các chứng bệnh như cao huyết áp, phòng ngừa các biến chứng tim mạch, tai biến mạch máu não, tai biến não, chữa những người kém trí nhớ, ngăn ngừa chứng lú lẫn ở người cao tuổi...
Ngoài ra, nụ hoa tam thất giúp ngăn ngừa, phòng chống bệnh ung thư, ức chế sự hình thành và phát triển của khối u.
Dù tam thất nhiều tác dụng với sức khỏe tuy nhiên lương y Bùi Đắc Sáng khuyến cáo, một số người không nên hoặc hạn chế sử dụng.
Đó là phụ nữ đang hành kinh. Lý do là tam thất có tác dụng hoạt huyết hóa ứ có thể khiến kinh nguyệt ra quá nhiều.
Trường hợp người phụ nữ vốn có huyết ứ làm kinh nguyệt không điều hòa có thể dùng tam thất để điều hòa kinh nguyệt, tuy nhiên cần sử dụng dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Người đang cảm lạnh cũng không nên dùng tam thất vì có thể làm bệnh nặng hơn. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tự ý sử dụng tam thất và các loại thảo dược từ tam thất vì tác dụng hoạt huyết có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Bạn đang xem: Tam thất tốt cho sức khỏe nhưng ai không nên dùng?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Loại gia vị rẻ tiền đặc biệt tốt cho sức khỏe, nhất là với nam giới
- Loài vật 'không chân' nhưng bổ hơn sâm, giúp bồi bổ sinh lực nam giới, tốt cho người thiếu máu
- Bất ngờ công dụng của dứa chín khi bạn ăn đúng cách
- Vắt chanh bỏ vỏ: Người Việt đang bỏ đi phần quý giá nhất của quả chanh
- Bộ phận còn 'quý hơn cả thần dược' từ bắp ngô, tốt cho thận lại đẹp da, giảm cân
- Loại quả ở Việt Nam mọc đầy đường, người Nhật lại bán gần triệu 1 kg