Sự nguy hiểm của căn bệnh nữ minh tinh Châu Hải My phải chịu đựng suốt 20 năm
Nữ minh tinh Châu Hải My mắc bệnh lupus ban đỏ. Căn bệnh không chỉ gây ra các biểu hiện bên ngoài mà còn tấn công cơ quan nội tạng. Người bệnh có thể bị suy thận, viêm phổi kẽ, xuất huyết phổi.
Những ngày qua, thông tin nữ minh tinh Châu Hải My, người từng đóng vai Chu Chỉ Nhược, qua đời ở tuổi 57 khiến người hâm mộ vô cùng thương xót. Năm 2019, cô đã có chuyến thăm TP.HCM khi tham dự một sự kiện thời trang. Lúc này, sức khỏe nữ diễn viên đã không tốt, không thể đi nhanh và luôn có trợ lý đỡ bên cạnh.
Thực tế, nữ minh tinh đã phải sống chung với bệnh tật từ hơn 20 năm qua. Năm 1999, cô được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ. Đây là một trong những bệnh tự miễn dịch hệ thống thường gặp nhất, do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính các cơ quan.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thiên Tài, Trưởng đơn vị Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, lupus ban đỏ hệ thống thường gặp ở nữ giới, nhiều nhất ở độ tuổi sinh đẻ. Cho đến nay, căn nguyên của bệnh vẫn còn nhiều vấn đề chưa được biết rõ.
Bệnh lupus ban đỏ có biểu hiện phát ban trên da. Ảnh:
BVCC.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gợi ý rằng di truyền, miễn dịch, hormone giới tính và môi trường là yếu tố quan trọng trong cơ chế bệnh sinh lupus ban đỏ hệ thống.
Bác sĩ Tài cho biết tỷ lệ mắc bệnh này khác nhau tùy theo từng nước, từng chủng tộc và thời điểm nghiên cứu. Bệnh có độ lưu hành ước tính trong khoảng 20-150 ca/ 100.000 dân, riêng ở phụ nữ là khoảng 164-406 ca/ 100.000 dân. Ở nước Mỹ tỷ lệ mắc bệnh thay đổi từ 15-50 ca/100.000 dân.
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống có một số triệu chứng như mệt mỏi, sốt, ăn uống kém, sụt cân, ban đỏ cánh bướm ở mặt, ban đạng dĩa ở da, da dễ nhạy cảm với ánh sáng, loét miệng, rụng tóc và đau các khớp.
Bên cạnh đó, bệnh có thể gây tổn thương nội tạng như ở thận với tình trạng viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận; ở phổi với tình tình trạng viêm phổi kẽ, xuất huyết phổi; ở hệ huyết học với tình trạng giảm tiểu cầu, giảm hồng cầu, giảm bạch cầu.
Ngoài ra, khi bệnh gây tổn thương thanh mạc sẽ có đặc điểm tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng ngoài tim…
Theo bác sĩ Tài, trong những năm gần đây, y học đã có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu chứng minh vai trò của việc sử dụng các thuốc corticoide, thuốc ức chế miễn dịch, liệu pháp tế bào gốc… để điều trị lupus, nhằm hạn chế tử vong, duy trì chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bạn đang xem: Sự nguy hiểm của căn bệnh nữ minh tinh Châu Hải My phải chịu đựng suốt 20 năm
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe