Số ca mắc sởi gia tăng tại Hà Nội
Số ca mắc sởi đang có xu hướng tăng nhanh, ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 209 trường hợp tại 29 quận, huyện.
CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.
Có con gái 3 tháng tuổi bị mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, chị Lê Thị Hoa, 35 tuổi (ở quận Hà Đông) cho biết, bé bị sốt nhiều ngày không khỏi, kèm theo phát ban, chị đưa đến viện thăm khám, kết quả trẻ được chẩn đoán bị lây nhiễm sởi. Do chủ quan đến viện muộn nên bé bị biến chứng vào phổi.
Tương tự, con gái của chị Đinh Thị
Phương (trú tại Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cũng sốt nhiều ngày
không khỏi, kèm mẩn đỏ, phát ban khắp cơ thể. Vào Bệnh viện Thanh
Nhàn xét nghiệm, bé được chẩn đoán mắc bệnh sởi. “Gia đình cho
con đi tiêm nhiều loại vaccine phòng bệnh nhưng lại quên mũi sởi
nên giờ đây khá lo lắng”, chị Phương nói.
Trẻ bị sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. (Ảnh: N.Loan)
Theo TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, gần đây đơn vị tiếp nhận hơn 40 ca mắc sởi, khoảng 30% các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở oxy hoặc thở máy.
Nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% các ca mắc, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận một số ca ở trẻ lớn trên 5 tuổi, tuy nhiên số lượng này không đáng kể.
Theo các chuyên gia, dịch sởi năm 2024 là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hơn 90% trẻ nhập viện chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Giai đoạn cách ly xã hội trong dịch COVID-19 khiến nhiều trẻ bị bỏ lỡ các mũi tiêm quan trọng, đồng thời phụ huynh thiếu chú ý với lịch tiêm nhắc lại. Điều này dẫn đến sự gia tăng các ca mắc.
Để kiểm soát dịch bệnh, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ lịch tiêm vaccine sởi. Trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi đầu tiên, nhắc lại mũi hai ở 15-18 tháng và mũi thứ ba khi trẻ 4-6 tuổi. Đối với trẻ có nguy cơ cao hoặc sống trong vùng dịch, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm sớm từ 6 tháng tuổi. Tiêm phòng đầy đủ không chỉ bảo vệ cá nhân trẻ mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa như tăng cường miễn dịch, giữ vệ sinh cá nhân và theo dõi sát sao sức khỏe trẻ đóng vai trò không kém phần quan trọng.
Phụ huynh cần đảm bảo trẻ được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc đông người. Thời điểm giao mùa không chỉ khiến số ca mắc sởi gia tăng mà còn phản ánh nguy cơ bùng phát của nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác. Các chuyên gia y tế khuyến nghị người dân nên chủ động chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Khi phát hiện các triệu chứng bất thường như sốt cao, phát ban, ho hoặc khó thở, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Bạn đang xem: Số ca mắc sởi gia tăng tại Hà Nội
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Nhiều người lớn mắc sởi phải nhập viện
- Bé trai 3 tuổi tử vong nghi do bệnh sởi biến chứng, cảnh báo dấu hiệu bố mẹ tuyệt đối không được chủ quan
- Bé 3 tuổi ở Đồng Nai tử vong nghi do mắc sởi
- Đồng Nai ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh sởi
- 4 ca tử vong vì bệnh sởi, dịch đang tăng nhanh ở phía Nam
- Khẩn cấp chống dịch sởi trong trường học