Quý ông lo lắng bị 'yếu' đi nếu mắc COVID-19: Muốn bảo toàn 'phong độ phái mạnh', đừng quên làm 3 điều
Đại dịch COVID-19 tác động tới mọi khía cạnh cuộc sống của con người, đặc biệt là sức khỏe. Có nhiều thông tin cho rằng COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của nam giới. Vậy thông tin trên có chính xác không?
Các công bố gần đây cho thấy tác động của COVID-19 đến sức khoẻ sinh sản nam giới không chỉ nằm ở phổi, tim hay thận mà còn để lại hậu quả ở chức năng sinh sản cũng như ham muốn tình dục của người đàn ông. Việc phân biệt rạch ròi đâu là ảnh hưởng của COVID-19 và đâu là các hệ luỵ tâm lý gây ra trong cơ chế sinh bệnh là không hề dễ dàng.
COVID-19 ảnh hưởng đến "chuyện yêu"?
Một số khảo sát cộng đồng cho thấy, trong thời gian đại dịch, tần suất hoạt động tình dục của các cặp đôi có xu hướng giảm đi. Trong khi đó, một số khảo sát khác trên các đối tượng cao tuổi hơn lại cho thấy có sự gia tăng. Lý giải cho hiện tượng này có lẽ do các cặp đôi trẻ thường bị vây quanh bởi trẻ nhỏ tại nhà hàng ngày.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy sau mắc COVID-19, nam giới có suy giảm ham muốn tình dục so với trước khi mắc. Vì vậy, hiện tại ảnh hưởng của đại dịch lên hoạt động tình dục là chưa thực sự rõ ràng, cần thêm các dữ liệu có tính hệ thống hơn.
COVID-19 gây ra rối loạn cương dương?
Có nhiều bài báo và công trình nghiên cứu đã đề cập về chủ đề này. Một nghiên cứu gần đây của Ramasamy và cộng sự cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể cư trú ở dương vật lên tới 9 tháng sau nhiễm, gây rối loạn chức năng các tế bào nội mô và có thể gây nên rối loạn cương dương (RLCD). Điểm đáng lưu ý nhất của nghiên cứu này là người mắc COVID-19 nhẹ vẫn có thể mắc rối loạn cương dương nặng nề.
Tuy vậy, như đã nói ở trên, việc phân biệt rõ ràng tổn thương tế bào nội mô gây RLCD này là do COVID-19 hay do stress tâm lý đi kèm còn gây nhiều tranh cãi. Stress cũng có thể gây giảm tiết các hormone sinh dục như testosterone, gây giảm hứng thú tình dục và gây rối loạn cương dương.
Tại Hoa Kỳ, doanh số bán các thuốc điều trị rối loạn cương dương tăng mạnh trong thời kỳ diễn ra đại dịch, và khách hàng của họ không chỉ là người mắc COVID-19 khiến việc điểm mặt chỉ tên COVID là nguyên nhân còn cần thêm các nghiên cứu chuyên sâu hơn.
"Tinh binh" liệu có còn khỏe mạnh sau khi mắc COVID-19?
Virus không đi vào tinh dịch. Một nghiên cứu được khảo sát thực hiện 34 nam giới ở Trung Quốc không thấy sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 trong tinh dịch sau 1 tháng mắc. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng COVID-19 không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục và vì vậy cũng không lây từ bố sang con khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm.
Tuy vậy, chất lượng tinh trùng của nam giới cũng có thể bị ảnh hưởng. Một vài nghiên cứu cho thấy mắc COVID-19 có thể khiến số lượng và sự vận động của tinh trùng bị suy giảm trong khoảng từ 3 tới 6 tháng. Thực tế, tình trạng này cũng xảy ra sau mắc các bệnh lý virus khác. Điều này khiến những người vừa mắc COVID-19 nên dành thời gian nghỉ ngơi ít nhất 6 tháng sau khi khỏi bệnh để tinh trùng hồi phục chất lượng.
Đấng mày râu có nên tiêm vaccine trong khi đang dự định có con?
Hiện các nghiên cứu cho thấy các vaccine nhóm mRNA như của Pfizer và Moderna sẽ không gây ảnh hưởng tới chất lượng và số lượng tinh trùng. Vì vậy, việc tiêm vaccine không nên bị trì hoãn nếu bạn đang có dự định có con. Các loại vaccine khác hiện chưa có dữ kiện kết luận ở thời điểm này.
Làm sao để tránh tác động tiêu cực của COVID-19 lên sức khỏe sinh sản của phái mạnh?
Tác động của COVID-19 đến sức khỏe sinh sản nam giới là tương đối rõ ràng. Những biện pháp dưới đây phần nào giúp chúng ta hạn chế những tác động tiêu cực đó.
- Phòng bệnh hơn chữa bệnh: Bạn cần tuân thủ 5K, tiêm vaccine đầy đủ (các nghiên cứu bước đầu về vaccine mRNA như của Pfizer và Moderna đều không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nam giới)
- Với những người đang mắc bệnh thì cần tuân thủ những hướng dẫn, điều trị của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc, luôn giữ mát vùng bìu, nếu có biểu hiện sốt cao hoặc khó chịu vùng bìu cần báo lại cho bác sĩ điều trị.
- Những người đã hồi phục sau nhiễm bệnh nếu đang mong con thì nên đi kiểm tra sức khỏe sinh sản và đến những cơ sở hỗ trợ sinh sản uy tín sau 2 tháng để có hướng xử trí kịp thời và phù hợp.
COVID- 19 là đại dịch của toàn cầu, chúng ta cần học cách sống chung với dịch và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của nó. Bức tranh COVID-19 sẽ cần thêm nhiều chi tiết hơn nữa trong giai đoạn tới. Tuy vậy những biện pháp phòng ngừa và chuẩn bị vẫn luôn cần thiết.
Bạn đang xem: Quý ông lo lắng bị 'yếu' đi nếu mắc COVID-19: Muốn bảo toàn 'phong độ phái mạnh', đừng quên làm 3 điều
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Hà Nội thêm gần 9.000 ca COVID-19, đã có 88% người dân tiêm mũi nhắc lại
- Hình ảnh phổi của bệnh nhân sau một năm khỏi Covid-19
- ‘Kẻ giết người thầm lặng’ nguy hiểm như Covid-19 trỗi dậy ở Ấn Độ
- Cả nước có 83.376 ca Covid-19 mới, Hà Nội xin bổ sung 180.000 ca
- Hà Nội thêm 9.328 ca COVID-19 mới, tổng ca mắc vượt 1,63 triệu
- Ngày 27/3: Số mắc mới COVID-19 giảm mạnh còn 91.916 ca, thấp nhất trong khoảng 1 tháng qua