Quên làm điều này trước khi bỏ thức ăn thừa vào tủ lạnh dễ gây ngộ độc, nhất là với cơm
Có một việc vô cùng đơn giản nhưng rất nhiều thường quên hoặc cố tình không làm khi bỏ thức ăn, cơm thừa vào tủ lạnh. Từ đó dẫn tới các món này nhanh hư hỏng, gây ngộ độc và bệnh tật khi ăn.
Dù công nghệ ngày càng hiện đại nhưng tủ lạnh không phải món đồ “vạn năng”. Bảo quản thực phẩm, thức ăn thừa là một trong những công dụng chính của chiếc tủ lạnh, song điều quan trọng là chúng ta làm việc đó như thế nào.
Nhiều người cho rằng, thức ăn hay cơm thừa khi bỏ vào tủ lạnh chỉ cần đậy kín trong hộp là đã đủ an toàn, song thực tế không phải vậy. Có một việc khác hết sức đơn giản nhưng chúng ta rất dễ quên, thậm chí có nhiều người không hề biết khi bảo quản đồ ăn đã nấu chín trong tủ lạnh, nhất là với cơm: làm nguội chúng hoàn toàn.
Tại sao không nên bỏ đồ ăn còn nóng vào tủ lạnh?
Bỏ đồ nóng vào tủ lạnh tưởng chừng như vô hại nhưng thực chất lại không hề tốt vì rất nhiều lý do. Theo chuyên gia dinh dưỡng, đồng thời là nhà ẩm thực Carla Contreras (Anh), thói quen này vừa làm giảm dinh dưỡng, có thể gây ngộ độc lại hại cho tủ lạnh, khiến chính món ăn đó và các thực phẩm khác trong tủ lạnh nhanh hư hỏng hơn.
.
Bỏ đồ ăn nóng vào tủ lạnh không chỉ giảm dinh dưỡng, gây hại cho
sức khỏe mà còn làm thiết bị nhanh hỏng (Ảnh minh họa)
Bà nói: “Thực phẩm còn nóng đã bị bỏ vào tủ lạnh, gặp nhiệt độ thấp sẽ rất dễ dẫn đến sốc nhiệt. Trong trường hợp nhẹ, thực phẩm có thể sẽ chỉ bị giảm bớt chất dinh dưỡng. Trong trường hợp nặng, thực phẩm thậm chí còn có thể bị biến chất và gây ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải.
Chưa kể, bỏ đồ ăn còn nóng, kể cả nóng nhẹ vào tủ lạnh sẽ làm tăng nhiệt độ trong tủ đột ngột. Sự chênh lệch nhiệt độ này là điều kiện rất lý tưởng để hơi nước ngưng tụ trong ngăn mát, khiến nhiều loại vi khuẩn sinh sôi và làm hư hỏng các thức ăn khác. Về lâu dài, tủ lạnh bị ẩm, đọng nước cũng sẽ tạo ra nấm mốc, gây mùi hôi thối khó chịu và tăng nguy cơ bệnh tật cho con người”.
Kiểu bảo quản thực phẩm này cũng gây ảnh hưởng gián tiếp đến tuổi thọ tủ lạnh. Cụ thể hơn, tủ lạnh đang lạnh gặp nhiệt độ tăng đột ngột sẽ tự động tăng công suất của máy nén (lốc) hơn để làm lạnh bù lại. Nếu người dùng không biết mà vẫn cứ tiếp tục thói quen bỏ đồ nóng vào tủ lạnh, máy nén và các linh kiện phải làm việc ở công suất cao sẽ nhanh chóng xuống cấp hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm tiêu hao nhiều điện năng hơn.
Ngoài ra, bà cho biết thêm rằng không phải món ăn nào cũng có thể để qua đêm, dù làm nguội, bọc kín rồi bảo quản trong tủ lạnh. Ví dụ với hải sản, rau lá xanh, trứng, nấm, các món từ đậu nành, gỏi hoặc nộm… vì có thể gây ngộ độc, bệnh tật nguy hiểm tính mạng.
Lưu ý khi bảo quản cơm trong tủ lạnh
Theo Carla Contreras, có nhiều lý do quan trọng mà chúng ta cần lưu ý nhiều hơn, đặc biệt là làm nguội hoàn toàn cơm trước khi bảo quản trong tủ lạnh so với các thực phẩm khác.
Đó là do gạo thường là thủ phạm gây ra các vụ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm vì dễ tiềm ẩn vi khuẩn có hại. Sau khi nấu chín thành cơm một số loại vi khuẩn vẫn không bị tiêu diệt hoàn toàn. Kết cấu, tính chất giữ nhiệt và giữ ẩm của cơm thừa cũng làm tăng nguy cơ sinh sôi vi khuẩn, dễ bị biến chất và gây hại - ngay cả sau khi hâm nóng lại.
Bà dẫn chứng một báo cáo đăng tải trên The Spruce Eats của Anh cho thấy gạo chưa nấu chín có chứa bào tử của loại vi khuẩn thông thường Bacillus cereus, có thể tồn tại trong quá trình nấu nướng. Nên nếu cơm chín để ở nhiệt độ phòng hoặc cao hơn, cụ thể là từ 4 - 60 độ C, bào tử có thể biến thành vi khuẩn. Những vi khuẩn này sau khi sinh sôi sẽ sinh ra độc tố, gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, cơm nóng sẽ làm tăng nhiệt độ chung của tủ lạnh, khiến các thực phẩm khác và chính nó dễ hư hỏng hơn, cũng gây hại cho con người.
Carla Contreras nói: “Ăn gạo hoặc cơm bị nhiễm Bacillus cereus có thể gây nôn mửa và tiêu chảy trong vòng 30 phút đến 15 giờ và các triệu chứng có thể kéo dài trong 24 giờ. Điều quan trọng là ngộ độc thực phẩm do cơm thừa có thể xảy ra ngay cả khi cơm không hề có dấu hiệu ôi thiu”.
Nhớ làm nguội hoàn toàn các món ăn, nhất là cơm trước khi bảo
quản trong tủ lạnh để tránh ngộ độc (Ảnh minh họa)
Bà nhắc nhở rằng, do vi khuẩn phát triển mạnh ở nhiệt độ phòng nên hãy làm nguội hoàn toàn các món này trước khi cho vào tủ lạnh. Cơm đã nấu phải được làm nguội hoàn toàn trong vòng vài giờ (lý tưởng nhất là một giờ). Ngoài ra, vi khuẩn có thể sinh sôi nhanh chóng, nhưng hãy cẩn thận về vệ sinh khi làm nguội cơm và không nên để nó ở ngoài quá lâu.
“Cách dễ nhất để làm nguội cơm là cho vào hộp thủy tinh, mở nắp và để nguội. Để đẩy nhanh quá trình này và ngăn vi khuẩn sinh sôi nhanh bạn nên dùng tới hơi gió từ quạt, nhưng đừng bật quá lớn. Hoặc trải cơm ra khay nướng có viền để tăng diện tích bề mặt cơm tiếp xúc với không khí” - Carla Contreras nói.
Đặc biệt, cơm thừa dù đã bảo quản trong tủ lạnh đúng cách, làm nguội trước khi bảo quản thì cũng chỉ có thể ăn trong vòng 24 giờ sau đó. Chúng cũng chỉ có thể được hâm nóng lại để sử dụng một lần duy nhất. Hâm nóng cơm thừa nhiều lần không chỉ làm mất chất dinh dưỡng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn, ngộ độc".
Carla Contreras khuyên nên làm cơm thừa nguội hẳn rồi chia thành từng phần nhỏ bảo quản trong ngăn đông thay vì ngăn mát, lấy ra hâm nóng bằng lò vi sóng từng phần khi ăn, nếu thừa hãy bỏ đi. Còn cơm để bên ngoài quá 6 tiếng thì tốt nhất nên vứt bỏ, đừng cố tiết kiệm mà “rước bệnh vào thân”.
Nguồn: Aboluowang, The Spruce Eats, QQ
Bạn đang xem: Quên làm điều này trước khi bỏ thức ăn thừa vào tủ lạnh dễ gây ngộ độc, nhất là với cơm
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- TP.HCM ghi nhận 2 trẻ em nghi ngộ độc botulinum phải dùng thuốc giải
- Bé 9 tuổi ngộ độc chì nặng, nguy kịch chỉ vì thứ thuốc được nhiều người coi là 'thần dược'
- Một hành động nhỏ sau khi nấu canh có thể khiến cả nhà ngộ độc, bác sĩ đưa ra cảnh báo
- Cơm nguội có dấu hiệu này thì cần bỏ đi, hâm lên ăn rất dễ mắc bệnh tim, thậm chí ngộ độc
- Đi ăn tiệc cưới, 36 người bị ngộ độc thực phẩm
- 1 kiểu dùng thớt dễ gây nhiễm khuẩn chéo, ngộ độc thực phẩm nhưng nhiều người vẫn bỏ qua