Quần áo, dép nhuộm đỏ vì bệnh 'mồ hôi máu' chỉ 2 người Việt mắc
Hai người đến bệnh viện trong tình trạng quần áo nhuộm màu đỏ của mồ hôi sau khi gặp sang chấn tâm lý.
Chàng trai 24 tuổi, quê Đông Anh, Hà Nội trong một lần ăn trưa cùng đồng nghiệp phát hiện chiếc khăn ướt dùng để lau mồ hôi chuyển màu hồng.
Anh lên mạng tìm hiểu về triệu chứng lạ của bản thân, nhưng thông tin rất ít, ở Việt Nam không có ai bị như anh. Anh cũng đến 2,3 nơi thăm khám đều không tìm ra nguyên nhân.
Chàng trai 24 tuổi lo lắng, hoang mang không hiểu mắc bệnh gì, nguy hiểm hay không và liệu có chữa được không. Anh tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương, gặp GS.TS Trần Hậu Khang, nguyên giám đốc bệnh viện nhờ thăm khám.
"Bệnh nhân đến với chiếc áo trắng thấm màu đỏ, đôi dép và khăn lau mặt màu hồng nhạt, tình thần hoảng loạn, stress nặng ", GS Khang nói.
Dép và áo của bệnh nhân bị nhuộm màu hồng của mồ hôi. (Ảnh:
BSCC)
Nam thanh niên không mắc bệnh mạn tính, chỉ khi chạy hoặc lao động nặng, mồ hôi tiết ra có màu đỏ. Hiện tượng này xuất hiện cách đó khoảng một tháng, sau khi anh gặp cú sốc rất lớn về kinh tế khiến anh suy sụp tinh thần và thường xuyên mất ngủ.
Qua khai thác bệnh sử, GS Khang nghĩ đến hiện tượng "mồ hôi máu" hiếm gặp. Y văn thế giới đến nay chỉ ghi nhận khoảng 200 ca, riêng Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào.
“Tôi nhớ đến câu chuyện em bé khóc ra máu ở Ấn Độ mà tôi chứng kiến trong thời gian ở đó hơn 30 năm trước ", GS Khang nói.
Để chắc về chẩn đoán của mình, vị bác sĩ lấy mẫu dưới da của bệnh nhân, yêu cầu chàng trai chạy rồi lấy mồ hôi thấm vào bông, đem đi xét nghiệm.
Hai xét nghiệm đặc hiệu (gồm phản ứng Benzidin và Hemochromogen) giúp thầy thuốc phát hiện hồng cầu trong tuyến mồ hôi và sinh thiết da để xác định sự lưu thông giữa tuyến mồ hôi và các mao mạch.
GS Khang mới chẩn đoán chính xác và tìm ra cơ chế gây bệnh trong một tuần. Đó là do đợt căng thẳng nặng gây rối loạn thần kinh vận mạch tại chỗ, làm tổn hại mao mạch, da và tuyến mồ hôi. Từ đó, GS Khang khẳng định bệnh nhân mắc bệnh "mồ hôi máu" hiếm gặp.
Vị bác sĩ kê đơn thuốc, kèm theo lời khuyên điều chỉ tâm lý, giảm stress giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Đầu năm 2018, bệnh tái phát một lần nữa nhưng mức độ nhẹ hơn, cũng nhanh chóng trị khỏi. Từ đó đến nay, triệu chứng "mồ hôi máu" không còn xuất hiện lại. Trường hợp của bệnh nhân 24 tuổi trở thành ca điển hình ở Việt Nam được ghi vào y văn thế giới.
Một năm sau, GS Khang phát hiện người thứ 2 mắc bệnh trên, là bé gái 7 tuổi, người Hải Dương . Bé gái được mẹ đưa đến tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng máu pha trộn mồ hôi chảy trên một số vùng da cơ thể, đặc biệt hai lòng bàn tay. Hiện tượng này xuất hiện sau khi bà nội bé gái qua đời, bé không ăn, bỏ học, ba ngày sau thì thấy "mồ hôi máu".
Chẩn đoán đúng bệnh lý và tâm bệnh của bệnh nhân, vị giáo sư đã điều trị khỏi cho bé trong thời gian ngắn.
Đây là 2 bệnh nhân mắc bệnh mắc "môi hôi máu" được phát hiện ở Việt Nam đến nay.
Giáo sư Khang có hơn 40 năm nghiên cứu, chữa trị những bệnh da
lạ, hiếm gặp ở Việt Nam cũng như thế giới.
Mồ hôi máu là một trong các loại bệnh da hiếm gặp do rối loạn thần kinh/tâm thần, rất hiếm gặp. Biểu hiện lâm sàng của hiện tượng này là mồ hôi tiết ra lẫn máu. Tùy lượng máu nhiều hay ít mà mồ hôi có màu sắc thay đổi như đỏ tươi, hồng, hay hồng nhạt.
Các nghiên cứu cho thấy bệnh này liên quan căng thẳng thần kinh, lo âu, stress nặng kéo dài. Khi căng thẳng quá mức, các mao mạch ở da, xung quanh tuyến mồ hôi bị co thắt. Mao mạch bị vỡ, đứt, máu thẩm thấu qua ống tuyến mồ hôi, làm cho mồ hôi màu đỏ.
Y văn thế giới mô tả một số trường hợp "mồ hôi máu" đặc biệt như một số tử tù, thủy thủ gặp bão tố trên biển, người sợ chết do mắc trọng bệnh, căng thẳng trong gia đình. Đa số trường hợp này đều liên quan đến rối loạn tinh thần tột độ như lo âu, sợ hãi, sợ chết, bị stress triền miên.
Theo GS Khang, tới nay không một phương pháp đặc hiệu nào điều trị khỏi hiện tượng này. Quan trọng nhất là phát hiện và xử lý các bệnh kèm theo, đồng thời giảm stress, lo âu, căng thẳng bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý.
Bạn đang xem: Quần áo, dép nhuộm đỏ vì bệnh 'mồ hôi máu' chỉ 2 người Việt mắc
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Dấu hiệu đổ mồ hôi ở thời điểm này cảnh báo bệnh ung thư
- 7 loại thực phẩm nên ăn vào mùa hè để hạn chế đổ mồ hôi, mùi cơ thể và tránh mệt mỏi do mất nước
- Khi nam giới ngủ, 3 vùng này trên cơ thể đổ mồ hôi nhiều ngầm cảnh báo thận đang bị tổn thương
- Trẻ dậy thì sớm phải đối mặt 4 sự thật phũ phàng, cha mẹ nghe xong cũng toát mồ hôi
- Chiêu trò phù phép pate và xúc xích khiến người tiêu dùng toát mồ hôi hột, nhìn cận cảnh quy trình thực hiện càng thêm ám ảnh kinh hoàng