Phòng khám tự phong thành 'bệnh viện' để gài bẫy khách hàng
Ngày 24/10, Sở Y tế TPHCM phát đi thông tin cảnh báo về tình trạng mập mờ của cụm từ “bệnh viện” trên biển hiệu được các phòng khám tư nhân sử dụng để quảng cáo. Vấn đề trên đang gây hiểu lầm cho người bệnh khi lựa chọn dịch vụ y tế, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình khám chữa bệnh.
Qua tra cứu thông tin doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Sở Y tế TPHCM thống kê được 184 doanh nghiệp tư nhân sử dụng tên khi đăng ký giấy chứng nhận kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư có chữ cụm từ “bệnh viện”. Tuy nhiên, các cơ sở trên không hoạt động theo mô hình bệnh viện.
Từ giấy đăng ký kinh doanh, các doanh nghiệp khi đăng ký thủ tục hành chính để thành lập phòng khám đã buộc Sở Y tế phải cấp phép với tên gọi có cụm từ “bệnh viện” với lý do phòng khám đăng ký lấy tên theo tên của doanh nghiệp đã được in trong giấy chứng nhận kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp.
Phòng khám "tự xưng" là bệnh viện dễ gây hiểu lầm cho khách hàng, tiềm ẩn rủi ro trong quá trình khám chữa bệnh
Theo số liệu của Thanh tra Sở Y tế từ ngày 1/1/2024 đến nay, đã có 10 cơ sở kinh doanh đăng ký chữ “bệnh viện” trong tên doanh nghiệp vi phạm pháp luật, bị xử lý vi phạm hành chính. Các phòng khám vi phạm nhiều nhất là lĩnh vực thẩm mỹ, phòng khám đa khoa. Đơn cử như cơ sở chưa có giấy phép hoạt động đã mang tên “bệnh viện” theo tên của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận kinh doanh là Công ty TNHH bệnh viện thẩm mỹ E-Star.
Sở Y tế cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định rõ điều kiện cấp phép cho “bệnh viện” và “phòng khám” có sự khác biệt về quy mô, cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân sự cùng các điều kiện khác. Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của mỗi cơ sở y tế. Do đó, việc các phòng khám sử dụng từ “bệnh viện” trong tên gọi không chỉ không đúng với chức năng, nhiệm vụ mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi và lòng tin của người dân.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM kiến nghị các bộ, ngành và các đơn vị liên quan xem xét, bổ sung các quy định về việc đặt tên cơ sở y tế, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phòng khám nhưng sử dụng danh nghĩa tên “bệnh viện”; siết chặt quy trình cấp phép, từ chối cấp phép đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tên đăng ký không đúng hình thức tổ chức; các doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký tên là “bệnh viện”, trong trường hợp không đủ phạm vi hoạt động đầy đủ là một bệnh viện cần thực hiện việc điều chỉnh tên và không tiếp tục sử dụng từ “bệnh viện” trong tên gọi.
Bạn đang xem: Phòng khám tự phong thành 'bệnh viện' để gài bẫy khách hàng
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Nước đậu đen rang mang lại lợi ích thần kỳ gì cho sức khỏe của bạn?
- Ăn cơm gạo lứt thay cơm trắng có tốt?
- Yếu tố bất ngờ khiến nhiều người ăn nhiều tinh bột vẫn khỏe
- Công thức nấu nước lá tía tô tốt cho sức khoẻ
- Top 5 thói quen dễ áp dụng có thể giúp bạn sống thọ 100 tuổi
- Chị em U50 cần biết điều này để phòng ngừa loãng xương tuổi mãn kinh, tiền mãn kinh