Phát hiện mới nhất: 2 liều vaccine COVID-19 không đủ để chống biến thể Omicron
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford đưa ra kết luận gây sốc sau khi phân tích mẫu máu của những người được tiêm hai liều vaccine AstraZeneca hoặc vaccine Pfizer.
Một lọ vaccine AstraZeneca phòng COVID-19.
Các nhà khoa học Anh vừa phát hiện ra rằng phác đồ tiêm hai liều vaccine COVID-19 không tạo ra đủ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Omicron của SARS-CoV-2, hãng tin Reuters đưa tin.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford đã công bố kết quả nghiên cứu của họ hôm 13/12. Nghiên cứu hiện đang chờ được bình duyệt.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học phân tích mẫu máu của những người được tiêm hai liều vaccine AstraZeneca-Oxford hoặc vaccine Pfizer-BioNTech trong một nghiên cứu lớn về tiêm trộn vaccine.
Kết quả cho thấy phác đồ tiêm hai liều vaccine COVID-19 không tạo ra đủ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Omicron, điều có thể làm tăng khả năng nhiễm virus ở những người đã tiêm vaccine hoặc đã nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Oxford cũng nhấn mạnh chưa có bằng chứng nào cho thấy mức độ kháng thể thấp hơn trước Omicron có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện hoặc tử vong cao hơn ở những người đã tiêm hai liều vaccine.
Matthew Snape, một giáo sư tại Đại học Oxford, cho biết: "Những dữ liệu này quan trọng nhưng chỉ là một phần của bức tranh. Nghiên cứu chỉ xem xét các kháng thể trung hòa sau liều thứ hai, nhưng không cho chúng ta biết về khả năng miễn dịch tế bào, và điều này cũng sẽ được kiểm tra".
Kết quả nghiên cứu được công bố một ngày sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng hai mũi vaccine sẽ không đủ để kiềm chế Omicron.
Hôm 10/12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cho biết hầu hết ca COVID-19 nhiễm biến thể Omicron được xác định ở Mỹ cho đến nay là những người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Cụ thể, trong số 43 trường hợp nhiễm biến thể Omicron ở Mỹ, 34 người đã được tiêm phòng đầy đủ. 14 người trong số này cũng đã tiêm một liều tăng cường. Tuy nhiên, trong số 14 người này, 5 người nhiễm virus trong vòng dưới 14 ngày sau khi tiêm liều tăng cường – nghĩa là trước khi có được khả năng bảo vệ đầy đủ.
Mặc dù số ca nhiễm biến thể Omicron còn rất ít, nhưng chúng vẫn làm tăng thêm lo ngại vaccine COVID-19 hiện tại có thể cung cấp ít khả năng bảo vệ hơn đối với biến thể mới có khả năng lây truyền cao.
Báo cáo của CDC Mỹ cho biết hầu hết người nhiễm Omciron chỉ có các triệu chứng nhẹ như ho, nghẹt mũi và mệt mỏi, và một người đã phải nhập viện trong hai ngày. Các triệu chứng khác được báo cáo ít thường xuyên hơn bao gồm buồn nôn hoặc nôn, thở gấp hoặc khó thở, tiêu chảy và mất vị giác hoặc khứu giác.
Bạn đang xem: Phát hiện mới nhất: 2 liều vaccine COVID-19 không đủ để chống biến thể Omicron
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Ngày 15/12, Hà Nội tăng kỷ lục với 1.357 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 611 ca ngoài cộng đồng
- Ba loại vaccine COVID-19 gần như không hiệu quả với biến thể Omicron nếu chỉ tiêm hai liều
- WHO cảnh báo khẩn cấp về sự lây lan của biến thể Omicron: 'Thế giới sẽ rất khó để vực dậy'
- Bộ Y tế: TP.HCM có thể rút ngắn thời gian cách ly tập trung F0 xuống 7 ngày
- 366 học sinh là F0, hơn 4.000 học sinh khác phải cách ly
- Ngày 14/12, Hà Nội tròn 900 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 315 ca ngoài cộng đồng