Nhiều trẻ em, thanh niên bị đột quỵ
Bệnh viện Đà Nẵng gần đây tiếp nhận nhiều người trẻ, trẻ em bị đột quỵ. Trước đó, bệnh nhân không có dấu hiệu gì bất thường.
Anh Phan Quang B. (quê Quảng Ngãi) những ngày này đang túc trực ở bệnh viện để chăm sóc em trai là Phan Quang Đ. (15 tuổi). Anh B. kể, một ngày đầu tháng 11, đi học về, Đ. vào quán ăn trưa, lúc đang ăn thì bị choáng rồi ngất xỉu. Gia đình lập tức đưa Đ. đến bệnh viện ở Quảng Ngãi cấp cứu, sau đó chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng. Đ. đang nằm điều trị tại Khoa Đột quỵ, đã tỉnh táo nhưng vẫn liên tục kêu đau đầu. Anh B. cho hay, trước nay Đ. vẫn khỏe mạnh, không có dấu hiệu gì bất thường nên gia đình hoàn toàn bất ngờ khi em trai bị đột quỵ.
Bé trai 10 tuổi bị đột quỵ sau gần 1 tháng điều trị đã xuất
viện và đi học trở lại.
B. không phải là trường hợp nhỏ tuổi nhất bị đột quỵ. Tháng 10, Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu bé trai N.H. (10 tuổi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bị đột quỵ não. Gia đình chia sẻ, khi đang chơi cùng bé thì bé nói đau đầu, sau đó méo miệng, lơ mơ, nói khó… Các bác sĩ chụp CT, hội chẩn khẩn. Đây là trường hợp đột quỵ trẻ em rất hiếm gặp, bệnh nhi yếu nửa người phải tiến triển đến liệt hoàn toàn và rối loạn tri giác, may mắn duy nhất là gia đình biết thông tin về bệnh đột quỵ nên đưa cháu nhanh chóng đến bệnh viện trong “thời gian vàng”. Các bác sĩ đã kích hoạt báo động đỏ nội viện với mức độ đặc biệt nhất để can thiệp mạch não, xét nghiệm cận lâm sàng... Đồng thời hội chẩn khẩn với chuyên gia đột quỵ đầu ngành tại TPHCM ngay trong đêm để chẩn đoán chính xác và quyết định điều trị cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết với hy vọng cứu sống bệnh nhi. May mắn, bệnh nhi đáp ứng điều trị, cải thiện dần sau quá trình điều trị thuốc và tập phục hồi chức năng tích cực. Bệnh nhân đã xuất viện và đi học trở lại sau gần một tháng nằm viện.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong , Ths.BS. Phạm Như Thông, Phó Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng, nêu thực tế ngày càng nhiều người nhỏ tuổi, trẻ tuổi bị đột quỵ. 10 tháng đầu năm nay, có khoảng 3.500 bệnh nhân đột quỵ đến Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó người dưới 40 tuổi chiếm 4,3%. Cách đây không lâu, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp là sinh viên đang đi thực tập thì đột quỵ ngay tại cơ quan. Rất may được đồng nghiệp sơ cứu, chuyển đến bệnh viện kịp thời nên thoát nguy.
Theo BS. Thông, có nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ ở người trẻ như dị dạng mạch máu, tắc mạch máu não, tim bẩm sinh… Người trẻ cần bỏ thói quen hút thuốc lá, lười vận động; cần kiểm tra huyết áp, tim mạch… thường xuyên. BS. Thông lưu ý, với người bị đột quỵ, thời gian là vàng, quyết định sự sống cũng như là khả năng phục hồi của bệnh nhân. Vì vậy, người nhà bệnh nhân cần nắm rõ các dấu hiệu đột quỵ: mất thăng bằng, đau đầu, chóng mặt; mất thị lực một phần/hoàn toàn, tầm nhìn bị mờ đột ngột, gương mặt tự nhiên bị méo, nụ cười méo 1 bên, nhân trung lệch; một bên tay chân yếu, cầm nắm đồ không chắc; mất khả năng nói, đột nhiên nói khó, nói ngọng; Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên, nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Thời gian vàng tính từ lúc bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên do đột quỵ đến lúc điều trị được thuốc tiêu sợi huyết là 4,5 giờ. Ngoài ra thời gian can thiệp mạch có thể đến 6 giờ hoặc thậm chí đến 24 giờ trong các trường hợp đặc biệt.
Bạn đang xem: Nhiều trẻ em, thanh niên bị đột quỵ
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- 5 dấu hiệu xuất hiện vào ban đêm cảnh báo suy tim, đột quỵ và ung thư: Nếu không có xin chúc mừng bạn!
- Số ca đột quỵ tăng cao vào mùa đông, bác sĩ chỉ cách phòng chống
- Nấu cà chua theo cách này, ngừa được cục máu đông gây đột quỵ
- Đột quỵ ở tuổi 26, cuộc đời tôi hồi sinh nhờ yoga
- Còn trẻ nhưng thứ này cao, nguy cơ đột quỵ tăng 40%
- Thừa Thiên Huế ghi nhận nhiều ca đột quỵ nguy kịch