Nhiễm trùng, hoại tử sụn do bấm nhiều lỗ tai
Sau khi bấm cả hai bên vành tai, mỗi bên 4 - 5 lỗ, cô gái 18 tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng với cả hai tai sưng vù, chảy mủ vàng.
Ngày 4-10, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết tại đây thường xuyên tiếp nhận những ca cấp cứu nhiễm trùng, áp xe, thậm chí hoại tử vành tai do xỏ khuyên, bấm lỗ tai. Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân P.T.K.L. (18 tuổi, ở Hà Nội).
Tại bệnh viện, L. được chẩn đoán viêm sụn vành tai cả hai bên, áp xe sụn vành tai phải. Các bác sĩ đã tiến hành chích rạch dẫn lưu mủ, nạo sạch tổ chức viêm cho nữ bệnh nhân.
Tai của bệnh nhân bị biến dạng do sở thích xâu nhiều khuyên tai
(Ảnh bác sĩ cung cấp)
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân P.M.T. (23 tuổi, Hà Nội) cũng phải nhập viện với tình trạng đau nhức, sưng nóng đỏ ở vành tai phải, có lỗ rò mủ.
Trước khi nhập viện 2 tuần, T. có xỏ khuyên tai bên phải. Sau khoảng 4 ngày, T. có biểu hiện sốt nhẹ, sưng đau vành tai phải. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị tại cơ sở y tế nhưng không đỡ.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, nam bệnh nhân có chẩn đoán là áp xe sụn vành tai phải do xỏ khuyên tai. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chích rạch dẫn lưu áp xe, nạo vét sụn hoại tử, khâu cố định và điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, cho biết biến chứng thường gặp nhất sau khi bấm lỗ, xỏ khuyên tai là viêm sụn vành tai. Đây là một biến chứng nguy hiểm với những bạn trẻ thích xỏ lỗ trên vành tai do khuyên khi xỏ vào lớp sụn tai có nhiều khả năng bị nhiễm trùng.
Bác sĩ cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng khi xỏ lỗ tai
Các bác sĩ cho biết nhiễm trùng ở sụn vành tai khó điều trị hơn nhiễm trùng ở các mô mềm như dái tai. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường máu cũng có thể xảy ra khi dụng cụ bấm lỗ tai không được xử lý theo đúng quy định.
Điều trị viêm sụn, áp xe vành tai rất phức tạp do vi khuẩn gây viêm sụn phải dùng kháng sinh dài ngày, nạo vét sụn hoại tử dễ để lại di chứng. Một số trường hợp không tới bệnh viện kịp thời, sụn vành tai đã bị tiêu một phần.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo khi có nhu cầu bấm lỗ tai, cần lựa chọn cơ sở uy tín và cân nhắc khi xỏ lỗ tai ở nhiều vị trí, nhất là vị trí khuyên đi qua sụn vành tai do dễ gây nguy cơ viêm sụn và các biến chứng do viêm sụn.
Bạn đang xem: Nhiễm trùng, hoại tử sụn do bấm nhiều lỗ tai
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Cô gái bị nhiễm trùng toàn thân do lười làm 1 việc, nhiều người cũng vậy
- Hoại tử da thịt trong một ngày vì đi chân trần lội nước
- Đắp thuốc lá của thầy lang để chữa nhọt, bé trai suýt mất ngón tay
- Người phụ nữ bị nhiễm trùng mắt, loét giác mạc vì một việc mà nhiều người làm cả ngày
- Nâng mũi, cô gái ở Vĩnh Long bị nhiễm trùng lòi cả sống mũi
- Bị nhiễm trùng nặng vì xăm môi cấp tốc đón Tết