'Nhân sâm' siêu rẻ ở Việt Nam du nhập Trung Quốc, cứu đói hàng trăm triệu người
Loại củ giá rẻ ở Việt Nam, được ví quý ngang nhân sâm, là mặt hàng phổ biến ngày nay nhưng có thời kỳ nó được coi như hàng xa xỉ.
Khoai lang Việt Nam du nhập
Trung Quốc
Chuyện kể rằng, vào những năm Vạn Lịch nhà Minh (Trung Quốc), có
một thầy thuốc tên là Lâm Hoài Lan, thường đi sưu tầm các loại
thuốc quý trong thiên hạ.
Một lần, thầy thuốc này đi tới vùng đất Giao Chỉ (thuộc Việt Nam ngày nay) và phát hiện một loài thực vật có khả năng chịu hạn cực cao, sức sống bền bỉ, củ mọc trong đất. Điều này lập tức thu hút sự chú ý của thầy thuốc Trung Quốc. Ông này nhận thấy, thời điểm đó ở Trung Quốc thường xuyên xảy ra hạn hán và dịch châu chấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu hoạch mùa màng, khiến đời sống nhân dân khó khăn trong khi loài thực vật ở Giao Chỉ nhất định có thể cứu đói.
Do đó, người này đã giống cây quý ở Giao Chỉ về Trung Quốc và trồng thành công. Loài thực vật này chính là khoai lang.
Khoai lang rất được ưa chuộng ở Việt Nam, Trung Quốc.
Vào những năm cuối thời nhà Minh, thiên tai thường xảy ra, gây ra nạn đói trên diện rộng, vô số người chết đói. Sau khi khoai lang du nhập vào Trung Quốc, nó dần phát huy tác dụng thần kỳ, ngoài ăn được củ, thì ngay cả ngọn của nó cũng có thể giải quyết nạn đói. Do những đặc tính này của khoai lang, nó đã nhanh chóng được trồng ở nhiều nơi của Trung Quốc và ít nhất hàng trăm triệu người đã nhờ nó mà tránh được nạn đói. Con số này không hề nói quá. Sách Chu thự sơ (Trung Quốc) chép rằng: "Vào khoảng những năm Giáp Thân (1584) - Ất Dậu (1585), các loại ngũ cốc đều quý (hiếm), duy chỉ có khoai lang được mùa, người dân cứ 10 người thì 7,8 người sống nhờ khoai lang".
Từ nguyên - bộ sách tham khảo nổi tiếng của Trung Quốc cũng xác nhận về câu chuyện này. "Khoai lang vốn được trồng ở Giao Chỉ (Việt Nam ngày nay), Lâm Hoài Lan người Ngô Châu (Quảng Đông) đã mang loại giống này về Trung Quốc, trồng khắp vùng Quảng Đông, Quảng Tây, vì thế mà không lo hạn hán nghiêm trọng".
Cũng có những thuyết khác cho rằng, giống khoai lang ở Trung Quốc được du nhập từ châu Mỹ hoặc Philippines nhưng thuyết khoai lang Trung Quốc du nhập từ Việt Nam được biết đến nhiều hơn cả cũng như được nhiều tư liệu đáng tin cậy của Trung Quốc ghi lại.
Theo Trạm Giang nhật báo (Quảng Đông), ngày nay, khoai lang là thứ phổ biến, nhưng vào thời nhà Minh, khoai lang là hàng thượng phẩm trong quốc yến ở vùng Giao Chỉ, chúng cũng được coi là hàng xa xỉ.
Tờ này cho hay, khoai lang đã có đóng góp đặc biệt vào sự tồn vong của người Trung Quốc và việc khoai lang du nhập vào Trung Quốc có thể nói đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề cơm no áo mặc của người Trung Quốc vào thời điểm đó; khoai lang đã trở thành thực phẩm bổ sung hữu ích trong các loại “ngũ cốc” thuở sơ khai và viết lại lịch sử phát triển nông nghiệp của Trung Quốc.
Còn ngày nay, khoai lang được trồng khắp Trung Quốc, trở thành loại lương thực quan trọng của nước này.
Xuất khẩu khoai lang Việt
Nam còn khó khăn
Tại Việt Nam, khoai lang là loại thực phẩm quen thuộc, thường xuyên
xuất hiện trên bàn ăn của người Việt, được ví có giá trị như nhân
sâm nhờ hàm lượng dinh dưỡng sẵn có.
Nếu nói về canh tác công nghiệp thì huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long được ví như vựa khoai lang của cả nước. Huyện đầu tư hơn 10.000ha diện tích trồng khoai lang với sản lượng thu được trung bình 300.000 tấn; hiện có 220ha đã đạt chứng nhận VietGAP.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong thời gian qua, khoai lang Việt Nam rớt giá thê thảm do không có nơi tiêu thụ.
Theo tờ Dân Việt, vào khoảng tháng 6/2021, người trồng khoai lang Nhật tại Vĩnh Long đã phải "khóc ròng" vì giá rớt 20 lần, xuống còn 500-600 đồng/kg nhưng vẫn không có thương lái thu mua. Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT cho biết Bộ đã đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thị trường cho một số sản phẩm như khoai lang.
Ngoài lý do khách quan như dịch bệnh thì con đường xuất khẩu khoai lang của Việt Nam vẫn còn rất nhiều rủi ro do chủ yếu qua con đường tiểu ngạch.
Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, do gần đây Trung Quốc có rất nhiều thay đổi trong chính sách cũng như hệ thống quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu nên các quy định của họ ngày một chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc có rất nhiều ưu đãi cho các sản phẩm thực phẩm, rau quả của Việt Nam. Thời gian tới khoai lang sẽ có thể nằm trong danh sách được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Ngoài thị trường lớn như Trung Quốc thì khoai lang Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU. Theo tờ Dân Việt, khoai lang Việt Nam cũng rất được ưa chuộng tại Nhật Bản, từng có thời điểm, giá khoai lang Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 2.047USD/tấn.
Bạn đang xem: 'Nhân sâm' siêu rẻ ở Việt Nam du nhập Trung Quốc, cứu đói hàng trăm triệu người
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Đại gia TP.HCM chi hơn trăm triệu đồng mua bình sâm 'hình hổ'
- Đi tìm nguồn gốc loại hoa giá hàng triệu đồng/kg đang bán đầy chợ mạng
- 8 triệu một ký hoa sâm Ngọc Linh, ngâm rượu toàn hàng Trung Quốc
- Giá vàng hôm nay 22/5: Kết thúc chuỗi tuần giảm giá liên tục dài nhất năm
- Chiếc ô hàng hiệu giá hơn 38 triệu đồng khiến cư dân mạng 'phẫn uất' vì không che được... mưa