Người phụ nữ 45 tuổi ăn tỏi sống mỗi ngày để kháng viêm và chống ung thư: Sức khỏe sau nửa năm thế nào?

Tỏi rất tốt cho sức khỏe nhưng có phải “thần dược” giúp chống lại bệnh ung thư?

1. Người phụ nữ 45 tuổi ăn tỏi để phòng chống ung thư

Bà Triệu Dương, sống ở Thiểm Tây, Trung Quốc, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Sau quá trình phẫu thuật cắt bỏ khối u và điều trị kịp thời, cơ thể của bà đã dần hồi phục. Tuy nhiên khả năng ung thư tái phát khiến bà rất lo lắng.

Để bảo vệ sức khỏe và phòng chống căn bệnh tái phát, bà đã tìm hiểu rất nhiều thông tin và kiến thức từ các nguồn khác nhau. Có câu: “Có hàng ngàn thông tin trên Internet nhưng rất ít thông tin đáng tin cậy”. Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, người phụ nữ tìm ra tác dụng kỳ diệu của tỏi. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, bổ sung tỏi có thể làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ung thư dạ dày.

Kết quả là, bà nhanh chóng thêm tỏi vào khẩu phần ăn hàng ngày của mình, đặc biệt là ăn sống để tránh biến đổi chất khi đun nấu ở nhiệt độ cao.

Sau nửa năm, người phụ nữ tiến hành kiểm tra tổng quát cơ thể và nhận được tin vui là không có dấu hiệu ung thư tái phát. Tình trạng phục hồi của bà cũng rất thuận lợi. Bà Dương vui mừng cho rằng, đó là tác dụng từ việc ăn tỏi. Tuy nhiên, các bác sĩ không nghĩ như vậy.

Người phụ nữ 45 tuổi ăn tỏi sống mỗi ngày để kháng viêm và chống ung thư: Sức khỏe sau nửa năm thế nào?-1

2. Tỏi tốt cho sức khỏe, nhưng không phải “thần dược”

Không thể phủ nhận rằng allicin có tác dụng tích cực trong việc phòng chống ung thư, điều này đã được các nghiên cứu y học chứng minh. Tuy nhiên, do lượng allicin hấp thụ hàng ngày của cơ thể bị hạn chế nên nếu chỉ ăn tỏi, rất khó đạt được tác dụng chống ung thư.

Ngoài ra, tỏi, đặc biệt là tỏi sống, có tính kích ứng cao. Nếu ăn với số lượng lớn trong thời gian dài chắc chắn sẽ tác động xấu đến đường tiêu hóa và tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Trong trường hợp của bà Dương, các bác sĩ cho rằng, tác dụng từ tỏi có thể không lớn bằng tác dụng từ tâm lý tích cực của chính bệnh nhân.

Tinh thần ảnh hưởng đến sức khỏe con người rất nhiều, tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Người stress, lo lắng, căng thẳng thường ăn không ngon, ngủ không yên. Điều này kéo dài sẽ gây nên các tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như suy giảm chức năng hệ tiêu hóa, rối loạn về hệ tim mạch, tăng nguy cơ hình thành các khối u… Khi thể trạng không bình thường do cảm xúc kích thích ngược thì các chức năng cơ thể đương nhiên không thể hoạt động bình thường.

Ngược lại, những người duy trì cảm xúc tích cực kích thích giải phóng dopamine, khiến con người cảm thấy dễ chịu. Giữ thái độ lạc quan lâu dài sẽ giảm bớt lo lắng, căng thẳng khi gặp phải bệnh tật. Đây là một yếu tố tốt có tác dụng phụ trợ cho việc phục hồi thể chất, đề kháng bệnh tật và phòng chống ung thư.

Sau khi một người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, họ rất dễ bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, ở một số bệnh nhân dù được điều trị tích cực nhưng vẫn không thể hồi phục tốt, nguyên nhân có thể liên quan tới vấn đề tâm lý kém. Trong khi đó, người phụ nữ ở Thiểm Tây, Trung Quốc, lại có niềm tin tích cực vì cho rằng tỏi chống ung thư. Điều này có thể giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.

Người phụ nữ 45 tuổi ăn tỏi sống mỗi ngày để kháng viêm và chống ung thư: Sức khỏe sau nửa năm thế nào?-2

3. Ngoài tâm lý khỏe mạnh, chìa khóa để chống lại bệnh ung thư là gì?

Không chỉ với bệnh ung thư, chìa khóa quan trọng nhất trong điều trị tất cả vấn đề sức khỏe chính là: Phát hiện sớm, điều trị sớm. Đây là điều mà ai cũng biết, nhưng thực tế không có nhiều người thực sự làm được. Thậm chí, một số người còn bỏ bê việc thăm khám và điều trị trong thời gian dài, dẫn đến những chuyển biến không mong muốn.

Trên thực tế, nền y học ngày càng hiện đại đã giúp tỷ lệ chữa khỏi sớm của nhiều bệnh tăng cao. Rất nhiều căn bệnh tưởng chừng nguy kịch, nhưng sau khi được điều trị sớm, chỉ mất một thời gian đã có thể hồi phục hoàn toàn.

Bệnh ung thư cũng chứng kiến những tín hiệu tích cực. Theo thông tin từ website của Bệnh viện Bạch Mai, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, 93% bệnh nhân ung thư dạ dày vẫn còn sống bình thường sau 5 năm. Điều này cho thấy việc phát hiện sớm và điều trị sớm thực sự quan trọng. Việc kiểm soát ung thư từ giai đoạn trứng nước có thể kìm hãm sự lây lan rộng rãi của các tế bào ung thư. Sự lây lan càng nhỏ thì càng dễ điều trị hơn, đồng thời khả năng khỏi bệnh của bệnh nhân càng cao.

Vì vậy, các bác sĩ thường khuyên mọi người hãy quan tâm đến tình trạng của bản thân, đi khám sức khỏe định kỳ. Nên chú ý hơn khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, đừng kéo dài kẻo biến bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng. Nếu đã được chẩn đoán, cần tích cực hợp tác điều trị, để giảm bớt ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe.

Bạn đang xem: Người phụ nữ 45 tuổi ăn tỏi sống mỗi ngày để kháng viêm và chống ung thư: Sức khỏe sau nửa năm thế nào?

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết