Người đàn ông mang rắn hổ chúa vào bệnh viện sau khi bị cắn

Lên rừng bắt ong, người đàn ông vô tình thấy một con rắn lạ, kích thước khoảng 2 kg nên đã bắt và bị cắn vào mặt ngoài tay trái.

Người đàn ông mang rắn hổ chúa vào bệnh viện sau khi bị cắn-1Rắn hổ chúa người đàn ông bắt được. Ảnh: BVCC.

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết đây là bệnh nhân nam 30 tuổi (trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu) được chuyển đến từ Bệnh viện Bà Rịa với chẩn đoán bị rắn hổ chúa cắn, nhiễm độc thần kinh nặng.

Trước đó, 9h ngày 26/6, người đàn ông lên núi để bắt ong nhưng không có. Anh vô tình thấy một con rắn lạ, kích thước khoảng 2 kg nên bắt con vật này thì bị cắn vào mặt ngoài của tay trái. Sau khi bị cắn, anh đã bắt được và mang rắn về nhà.

Khi về nhà khoảng 30 phút, bệnh nhân có dấu hiệu sụp mi, yếu tứ chi. Sau đó, người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện cùng con rắn đã bắt được. Người đàn ông nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, được xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.


Người đàn ông mang rắn hổ chúa vào bệnh viện sau khi bị cắn-2Vết rắn cắn ở tay trái của bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Tại đây, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng sụp mi, sinh hiệu ổn, sức cơ tứ chi yếu. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được sử dụng huyết thanh kháng nọc độc rắn đa giá. Lần một truyền thuốc, bệnh nhân được dùng 5 lọ huyết thanh, sức cơ có cải thiện nhưng vẫn trong tình trạng suy hô hấp.

Lần thứ 2, người đàn ông tiếp tục được truyền thêm 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn. Sau 24 tiếng bị rắn cắn, bệnh nhân tỉnh táo, cai được máy thở, sức cơ trở về hoàn toàn bình thường. Vết cắn vẫn còn sưng nề ở mặt ngoài bàn tay, lan đến cánh tay nhưng không có tình trạng nặng hơn.

Hiện bệnh nhân có cải thiện về lâm sàng, tình trạng hô hấp, tim mạch chưa có biến chứng. Người đàn ông đang nằm trong phòng hồi sức, được theo dõi thêm các vấn đề tim mạch, hô hấp, nhiễm trùng nhiễm độc.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Khánh, người bị rắn hổ chúa cắn có nguy cơ nhiễm độc thần kinh, suy hô hấp, liệt cơ, rối loạn nhịp tim, diễn tiến nặng sẽ dẫn đến ngưng tim... Ngoài ra, bệnh nhân còn có nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, có thể phải lọc máu.

"Một số người dân không phân biệt được rắn độc hay không. Vì vậy, bạn tuyệt đối không nên bắt rắn. Khi không may bị rắn cắn, người dân nên đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời xử lý, tránh biến chứng", bác sĩ Khánh nói.

Khi bị cắn, nếu bắt được chúng, người dân nên mang theo mang bệnh viện để nhận diện được loại rắn. Từ đó, thầy thuốc có hướng điều trị thích hợp, kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, bác sĩ nhấn mạnh loại huyết thanh đa giá đơn vị này đang dùng là cho các loại rắn như hổ chúa, hổ đất, cạp long, cạp nia, không dùng cho rắn hổ mèo và loại gây rối loạn đông máu.

Theo Zinga

Bạn đang xem: Người đàn ông mang rắn hổ chúa vào bệnh viện sau khi bị cắn

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết