Nếu vi phạm nhiều lần, sầu riêng sẽ bị Trung Quốc ‘tuýt còi'
Không chỉ có sản lượng lên tới 1,5 triệu tấn, sầu riêng Việt Nam còn chiếm lợi thế lớn ở thị trường Trung Quốc. Nhưng nếu không kiểm soát chặt vấn đề kiểm dịch thực vật, để vi phạm thì sầu riêng Việt có thể bị quốc gia này tạm dừng nhập.
Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho thấy, diện tích và sản lượng sầu riêng của nước ta tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2015, diện tích cây ăn quả này chỉ dừng ở con số 31.900ha, sản lượng 366.300 tấn; đến năm 2023 diện tích sầu riêng vọt lên 150.800ha, sản lượng gần 1,2 triệu tấn.
Hiện, sầu riêng quả tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ; sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang 23 thị trường. Kim ngạch xuất khẩu từ gần 178 triệu USD năm 2021 tăng lên 2,24 tỷ USD năm 2023.
Với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục lịch sử, sầu riêng vượt qua thanh long để trở thành loại trái cây ăn quả đắt giá nhất của Việt Nam.
Đại diện Cục Trồng trọt nhận định, sầu riêng có nhiều cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu khi sản lượng năm nay dự kiến lên tới 1,5 triệu tấn, tăng 25% so với năm ngoái.
Ngoài ra, so với các quốc gia sản xuất sầu riêng khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia,... Việt Nam có lợi thế là được thu hoạch quanh năm. Cùng với đó, dư địa cho sản phẩm chế biến còn nhiều, chi phí sản xuất không quá cao.
Với thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam có lợi thế lớn bởi thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Chưa kể, chúng ta còn chuẩn bị ký nghị định thư xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh vào thị trường này.
Song, đại diện Cục Trồng trọt cũng chỉ rõ những hạn chế của ngành hàng tỷ USD này. Đơn cử, ngành sầu riêng chưa có quy trình chuẩn cho toàn bộ chuỗi sản xuât từ giống tới sau thu hoạch; liên kết sản xuất chưa bền vững, chưa hình thành được vùng nguyên liệu gắn với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Trong quá trình thu hoạch và sau thu hoạch còn thiếu các tiêu chuẩn về xác định độ chín ảnh hưởng tới chất lượng sầu riêng. Đặc biệt, chúng ta vẫn còn tình trạng mua sầu riêng non, tranh mua tranh bán, hủy cọc, bẻ kèo... ảnh hưởng đến tính bền vững của thị trường.
Tại Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững ngày 10/5, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, cả nước hiện có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp.
Điều này đồng nghĩa vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc được mở rộng, vì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là điều kiện bắt buộc để được xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc.
Song, trong bối cảnh sầu riêng của Việt Nam có giá trị xuất khẩu ngày càng tăng, yêu cầu đặt ra là phải duy trì phát triển ngành hàng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng này trên thị trường quốc tế, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng, vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm cũng là yếu tố then chốt.
Cục Bảo vệ thực vật đưa ra nhiều cảnh báo và yêu cầu thực hiện ngay biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, vẫn nhiều địa phương vi phạm nghị định thư, đặc biệt ở các tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn vi phạm nhiều lần.
Do đó, phải làm quyết liệt hơn trong vấn đề kiểm dịch thực vật và vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ở trái sầu riêng. Bởi, việc này không chỉ ảnh hưởng đến lô hàng bị cảnh báo mà còn có nguy cơ khiến ngành hàng sầu riêng của Việt Nam bị nước nhập khẩu xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hơn thậm chí là tạm dừng nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Khi đó không chỉ việc sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.
Sản lượng tăng mạnh, nông dân và doanh nghiệp cần kiểm soát tốt
vấn đề dịch hại để đảm bảo quy định ở nghị định thư. Ảnh: Mạnh
Khương
Nước ta đang bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng năm nay. Giá sầu riêng được thu mua dao động ở mức 65.000-115.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao, đảm bảo lợi nhuận tốt cho các nhà vườn trồng sầu riêng.
Quý I năm nay, xuất khẩu sầu riêng vẫn đạt gần 57.000 tấn, thu về 253 triệu USD, tăng 42% về lượng và tăng 63,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân sầu riêng đạt 4.437 USD/tấn, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm đến 90% giá trị xuất khẩu sầu riêng của nước ta.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao trong quý đầu năm như: xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 83%; Hàn Quốc tăng 61%; Bồ Đào Nha tăng 71%; đặc biệt Hà Lan tăng đột biến 787,5%...
Để sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, Bộ NN-PTNT đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xây dựng các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu và có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các địa phương.
Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp gian lận và không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu; chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch tại các cửa khẩu tăng cường kiểm tra đối với các lô hàng sầu riêng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng và các sản phẩm từ sầu riêng.
Bạn đang xem: Nếu vi phạm nhiều lần, sầu riêng sẽ bị Trung Quốc ‘tuýt còi'
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Vì sao 'vua của các loại sầu riêng' mất ngôi trên thị trường Việt Nam?
- Sầu riêng chín cây và những sự thật bất ngờ
- Nghề lạ tại Việt Nam không cần bỏ vốn, kiếm 60 triệu đồng/tháng vẫn hiếm người làm
- Lãi suất thấp kỷ lục, vợ chồng thu nhập dưới 30 triệu có nên vay mua nhà đất?
- Cơn sốt giá vàng SJC kỷ lục, tăng 6,5 triệu trong ít ngày: Người mua gánh rủi ro
- Giá xăng dầu hôm nay 13/5/2024 xu hướng giảm phiên đầu tuần