Nên đi bộ vào buổi tối hay buổi sáng?
Đi bộ là hoạt động thể dục tốt cho sức khoẻ, vậy nên đi bộ vào buổi tối hay buổi sáng?
Tác dụng của việc đi bộ với sức khoẻ
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), đi bộ, chạy đều là hình thức tập luyện tốt cho cơ thể. Trung bình một người cần ít nhất 150 phút tập luyện mỗi tuần.
Dưới đây là những tác dụng của việc đi bộ với sức khoẻ:
Giảm mỡ máu xấu
Giảm được cholesterol LDL (cholesterol có hại), tăng cholesterol HDL (cholesterol có lợi), cải thiện được tâm trạng, giảm huyết áp, giúp chất lượng cuộc sống tốt lên.
Rối loạn mỡ máu là sát thủ âm thầm khiến bạn rút ngắn thời gian sống. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, đi bộ giảm nguy cơ tử vong từ các bệnh không lây nhiễm, duy trì tuổi thọ lâu hơn hàng chục năm.
Giảm huyết áp
Một bài báo đăng trên PubMed thuộc Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI) năm 2018 cho biết, gần 530 người có chỉ số huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên sau 6 tháng đi bộ đều đặn, chỉ số huyết áp giảm rõ rệt.
Giảm cân bền vững
Với người thừa cân, việc đi bộ giúp họ lấy lại cân nặng lý tưởng. Mỗi ngày, bạn đi bộ 30 phút trong liên tục 6 tháng có thể giảm được 5 đến 10% trọng lượng cơ thể. Người béo phì có thể chia thời gian đi bộ thành 2 lần/ngày, mỗi lần từ 20 đến 30 phút, liên tục trong 6 tháng có thể giảm được khoảng 2kg.
Nên đi bộ vào buổi tối hay buổi sáng là băn khoăn của nhiều người
Mức độ giảm cân nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào chế độ ăn, lượng calo bạn nạp vào. Người muốn giảm cân trung bình cần bớt 500 calo mỗi ngày.
Đi bộ mỗi ngày còn được chứng minh giúp tăng tuổi thọ, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Các nghiên cứu chỉ ra dù không đi bộ đến 10.000 bước, bạn vẫn nhận được những lợi ích sức khỏe đáng kể, hãy cân nhắc số bước đi phù hợp mỗi ngày.
Nên đi bộ vào buổi tối hay buổi sáng?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Liên (Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, đi bộ vừa giúp cơ thể tăng cường sức lực lại có thể giúp giảm bớt cảm giác thèm ăn. Nhiều thời điểm thích hợp để đi bộ, nhưng một số nghiên cứu cho thấy buổi sáng là thời điểm thích hợp để đi bộ.
Thời điểm buổi sáng được xem là tốt nhất để nâng cao sự phát triển của các cơ và rèn luyện cơ bắp. Trong khung giờ từ 5 - 8 giờ sáng, cơ thể chúng ta sẽ tiết ra loại hormone testosterone đạt đỉnh và giúp tăng cường cơ bắp.
Muốn việc tập luyện hiệu quả hơn nữa, bạn có thể lựa chọn một chế độ ăn nhiều protein để duy trì các khối cơ. Đi bộ và tập luyện vào buổi sáng còn giúp cơ thể sản sinh hormone endorphim giúp cải thiện tâm trạng tích cực hơn và giúp giảm cảm giác lo âu, trầm cảm.
Nếu không có thời gian đi bộ hay tập luyện vào buổi sáng bạn hoàn toàn có thể đi bộ vào khoảng thời gian 15-17 giờ hoặc 18-20 giờ. Sau một ngày làm việc, cơ thể vẫn duy trì được sự dẻo dai, linh hoạt của cơ bắp và giúp bạn vận động dễ dàng hơn so với buổi sáng.
Hơn nữa, lượng hormone testosterone và cortisol của cơ thể cũng đạt đến mức độ lý tưởng cho quá trình tổng hợp protein, tăng sức đề kháng vào buổi chiều. Việc tập luyện vào thời gian này cũng giúp bạn giảm được các nguy cơ chấn thương ngoài ý muốn do nhiệt độ cơ thể đã ổn định.
Bên cạnh đó, từ sau 12 giờ trưa trở đi, lượng hormone epinephrine, norepinephrine sẽ đạt đỉnh điểm giúp tâm trạng tốt hơn, giảm đau hiệu quả và quan trọng là tim bơm máu tốt hơn… thích hợp để tập luyện hoặc đi bộ.
Nhiều người cho rằng việc đi bộ vào buổi tối sẽ giúp cơ thể ngủ ngon hơn tuy nhiên nếu đi bộ hay tập luyện quá mức khiến thần kinh hưng phấn sẽ gây ra phản tác dụng. Việc đi bộ khi trời quá tối cũng sẽ dẫn đến các nguy cơ chấn thương do khó xác định phương hướng, địa hình.
Bạn đang xem: Nên đi bộ vào buổi tối hay buổi sáng?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe