Nam sinh đi cấp cứu trong đau đớn dữ dội sau nhiều giờ chơi điện thoại
Sau nhiều giờ chơi điện thoại trong đêm, nam sinh 15 tuổi đột ngột đau giữ dội vùng cột sống cổ, liệt tứ chi, gia đình vội đưa đi cấp cứu.
Nam bệnh nhân tên B.Q.V, ở huyện Tân Lạc (Hoà Bình), được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 24/9. Lúc này, bệnh nhân tỉnh táo, liệt tứ chi, liệt nhiều bên phải với cơ lực chân 2/5 và cơ lực tay chỉ 1/5, kèm theo đau nhiều vùng đốt sống cổ.
Thầy thuốc nghi ngờ nhiều liên quan đến tủy sống khu vực cột sống cổ nên chỉ định cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ MRI. Từ đó, bác sĩ phát hiện khối máu tụ lớn ngoài màng cứng mặt sau ngoài bên phải tủy cổ, chèn ép tủy cổ nặng nề.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị máu tụ tiên phát ngoài màng cứng tuỷ sống cổ và được chỉ định mổ cấp cứu.
Ca mổ kéo dài trong 1,5 giờ đồng hồ, với phương pháp sử dụng kính vi phẫu, thực hiện với vết mổ nhỏ. Các bác sĩ lấy được máu tụ, cầm máu, giải áp chèn ép tủy sống, nguồn chảy máu từ đám rối tĩnh mạch sau của tuỷ sống bị vỡ… Sau mổ, các dấu hiệu về vận động, cảm giác bệnh nhân đã phục hồi sớm. Ngày đầu tiên sau mổ, cơ lực chân và tay đạt mức 4/5 với tiến triển tốt.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Như Hiển, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, máu tụ ngoài màng cứng tủy sống là bệnh ít gặp, lâm sàng hay bỏ sót. Bệnh nguy hiểm bởi nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng vĩnh viễn như liệt tay chân, khó khăn trong việc nói, lú lẫn trí nhớ, thậm chí tử vong nếu khối máu tụ quá lớn.
Nguyên nhân gây bệnh thường do dị dạng hệ mạch ngoài màng tủy hoặc do chấn thương. Bệnh thường gặp với người lớn tuổi, có bệnh lý nền như cao huyết áp, thoái hoá cột sống nặng... Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên vị bác sĩ chuyên Ngoại thần kinh này tiếp nhận, phẫu thuật trong 20 năm làm nghề y.
Gia đình bệnh nhân cho biết trước khi phát bệnh, nam sinh chơi game trên điện thoại liên tục trong nhiều giờ. Trong quá trình đó, bệnh nhân có nhiều động tác mạnh như lắc, giật mạnh cổ. "Bệnh nhân cho biết làm các động tác này để đỡ mỏi", bác sĩ Hiển nói.
Theo nhận định của các thầy thuốc, đây là nguyên nhân chính khiến cột sống cổ bị tác động đột ngột với lực mạnh, gây tổn thương mạch máu chèn ép tủy sống cổ.
Mặt khác, người có thói quen cúi xuống nhìn vào điện thoại và máy tính bảng trong thời gian lâu sẽ đẩy đầu về phía trước và gia tăng áp lực lên cột sống khiến các mạch máu bị ứ trệ, dễ tổn thương.
Bác sĩ Hiển khuyến cáo đối với người có các bệnh lý nền kèm đau, hạn chế vận động cổ vai gáy hoặc đau tê bì lan xuống tay/chân thường xuyên…, nên khám tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa và có thể tầm soát bằng cách chụp phim cộng hưởng từ để phát hiện kịp thời các bất thường của cột sống.
Trong chế độ sinh hoạt, vận động và làm việc, thầy thuốc khuyến cáo người dân cần giữ cột sống ở tư thế sinh lý thoải mái nhất, không bị gò bó. Khi nằm không nên sử dụng gối cao, tránh cột sống cổ ở tư thế cúi, gập trong thời gian dài.
Đặc biệt, đối với người làm việc văn phòng hay phải ngồi lâu, cần có khoảng nghỉ sau mỗi 30-45 phút làm việc. Đối với người mắc chứng đau cổ vai gáy, không nên tự ý hoặc để người khác thực hiện các động tác vặn, giật, lắc đột ngột hoặc cố tình thực hiện một động tác nào đó để có tiếng kêu.
Nếu có biểu hiện đau cần cố định cổ, người nhà cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về thần kinh gần nhất và trong thời gian sớm nhất để được thăm khám, điều trị.
Bạn đang xem: Nam sinh đi cấp cứu trong đau đớn dữ dội sau nhiều giờ chơi điện thoại
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Ho bị đau hông bên phải là do đâu? Đây có phải dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm không?
- Uống 1 tách chè xanh sau bữa ăn có tác dụng gì?
- Huyết heo nấu canh hẹ có tác dụng gì?
- Loại quả nhiều người sợ vì đắng lại là 'kho vitamin C', đem pha trà cực bổ dưỡng
- 2 loại củ ít "ngậm" thuốc trừ sâu nhất chợ, cái số 1 như "nhân sâm người nghèo"
- Ăn mì chính có gây suy giảm trí nhớ?