Mua nhà để ở, ngao ngán ôm tiền tỷ đợi ‘bắt đáy’ rồi tiếc nuối
Có cùng số vốn 1 tỷ đồng, trong khi tôi quyết mua nhà thì cậu bạn thân lại chờ giá giảm mới mua. Sau gần 4 năm, tôi đã có nhà riêng còn bạn vẫn ở trọ, lần nào gặp cũng tiếc nuối “giá như mua nhà từ ngày ấy”.
Năm 2020, khi có trong tay số vốn 1 tỷ đồng, tôi băn khoăn giữa hai lựa chọn: Mua nhà hay tiếp tục tích lũy tiền chờ giá nhà giảm? Lúc đó dịch Covid-19 đang diễn ra, những dự đoán cho rằng dưới tác động của đại dịch giá nhà đất sẽ giảm không phải không có căn cứ.
Cuối cùng, vợ chồng tôi vẫn quyết vay mượn thêm để mua nhà. Phần vì có kế hoạch sinh thêm bé thứ hai, phần vì 5 năm ở trọ đã quá ngán ngẩm cảnh cứ thỉnh thoảng lại phải chuyển chỗ vì chủ đòi phòng, khu trọ không đảm bảo an ninh…
Sau khi xem xét khá nhiều nơi, chúng tôi chốt mua một căn nhà nằm trong ngõ nhỏ ở quận Hà Đông (Hà Nội) với giá 2 tỷ. Phần tiền 1 tỷ phải vay chúng tôi chia thành 2 nguồn, một nửa vay ngân hàng, nửa còn lại vay người thân, bạn bè.
Giai đoạn ấy, tôi có gọi điện cho cậu bạn thân hồi đại học để vay tiền. Bạn hỏi sao lại mua nhà lúc này, đợi thêm thời gian nữa kiểu gì giá cũng giảm. Bạn kể thêm là vợ chồng bạn cũng tiết kiệm được 1 tỷ nhưng chưa vội mua ngay.
Bạn tôi cho rằng dịch bệnh sẽ khiến giá nhà giảm, kiên trì đợi thêm sẽ mua được nhà với giá tốt hơn. Mặt khác bạn cũng lo vay mượn mua nhà vào thời điểm dịch bệnh nhiều ngành nghề đang lao đao, thu nhập giảm sút, gánh nặng trả nợ sẽ rất lớn.
Tiền tích lũy của nhiều gia đình không theo kịp tốc độ tăng giá nhà. Ảnh: Hồng Khanh
Nghe bạn nói vậy, tôi chỉ dám vay 50 triệu đồng và hứa nếu bạn cần tiền mua nhà lúc nào, nhớ báo trước tôi 1 tuần để xoay xở.
Thế nhưng trái ngược với dự đoán của bạn tôi và nhiều người lúc đó, giá nhà thay vì giảm lại tiếp tục tăng cao. Những năm sau còn xảy ra “sốt đất”.
Hiện tại, trong khi tôi đã sống trong nhà riêng của mình được 4 năm, không còn phải chịu cảnh ở trọ chật chội và đã trả dần số nợ vay, thì vợ chồng bạn tôi vẫn đang ở nhà thuê, sốt ruột nhìn giá nhà đất ngày càng tăng cao, vượt xa khả năng tài chính. Như căn nhà tôi mua trước đây giá 2 tỷ, giờ đã có giá khoảng 2,7 tỷ đồng.
Mỗi lần gặp nhau, bạn tôi đều bảo là rất tiếc nuối vì đã không mạnh dạn mua nhà ngay từ đầu. Sau mấy năm, tiền tích lũy thêm của vợ chồng bạn không theo kịp tốc độ tăng giá nhà. Giờ giá nhà đang neo ở mức cao, nhưng bạn bảo hai vợ chồng đang tính các phương án vay mượn để mua.
Theo những gì chứng kiến mấy năm qua, tôi thấy rằng, mua để đầu tư thì còn chần chừ đợi giá giảm, đợi “bắt đáy”, chứ mua nhà để ở thì mua sớm ngày nào tốt ngày ấy. Vì bất động sản phục vụ cho nhu cầu ở thực cho dù thị trường chung biến động, giá cũng chỉ chững lại chứ không giảm sâu. Chưa kể nếu lượng cầu cao mà cung ít, thì giá sẽ tăng phi mã như giá chung cư giai đoạn gần đây.
Mua nhà để ở là một quyết định mang tính lâu dài. Theo quan điểm của tôi, không nên quá phụ thuộc vào những biến động ngắn hạn của thị trường. Giá nhà đất ở các thành phố lớn sẽ chỉ có xu hướng tăng chứ không thể giảm, vì số người bám trụ lại ngày càng tăng trong khi đất đai là tài nguyên có hạn.
Với những người đã có khoản tiền tương đương 50-70% giá trị của căn nhà muốn mua, tôi cho rằng nên mạnh dạn mua nhà càng sớm càng tốt. Đừng đợi giá giảm hay đợi bắt đáy vì không ai biết đáy ở đâu, chưa kể nếu giá đã giảm rồi thì chắc chắn bạn sẽ lại chần chừ kỳ vọng nó giảm tiếp nữa. Đến khi giá bật tăng, bạn sẽ giống bạn tôi năm nào, ôm nỗi nuối tiếc nói hai từ “giá như”.
Bạn đang xem: Mua nhà để ở, ngao ngán ôm tiền tỷ đợi ‘bắt đáy’ rồi tiếc nuối
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Người trẻ nên vay tiền mua nhà hay ở nhà thuê?
- Ôm hầu bao 5 tỷ đồng, chờ mưa to 'chốt' đi mua nhà Hà Nội
- Từ 1/8, kinh doanh bất động sản phải có điều kiện gì?
- Chuyên gia: Người mua nhà nên đợi Luật Đất đai có hiệu lực để xuống tiền
- Lương tháng 15 triệu đồng có nên mua nhà trả góp?
- Lãi suất vay mua nhà có thật sự thấp?