Một ngày nên uống bao nhiêu nước tía tô?
Tía tô là loại rau gia vị tốt cho sức khoẻ nên nhiều người vẫn thường đun nước lá tía tô để uống, vậy một ngày nên uống bao nhiêu nước lá tía tô?
Cây tía tô có tác dụng gì?
Báo Thanh Niên dẫn lời BS.CKI Lâm Nguyễn Thùy An (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết trong y học cổ truyền (YHCT), tía tô vị cay, tính ấm, quy kinh phế, tỳ. Loại thảo mộc này là rau gia vị quen thuộc, không chỉ dùng kèm và chế biến thành nhiều món ăn ngon mà còn tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh.
Theo bác sĩ Thuỳ An, tía tô từ lâu được sử dụng như dược liệu tự nhiên để phục hồi các triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như bệnh liên quan đến ho, cảm lạnh, sốt, ớn lạnh, nhức đầu, nghẹt mũi, hen suyễn, khó thở, lo lắng, trầm cảm, dị ứng, nhiễm độc và một số rối loạn đường ruột.
Một số báo cáo khoa học cho thấ, trong tía tô có axit rosmarinic, có thể giúp ức chế viêm kết mạc do dị ứng theo mùa ở người. Một nghiên cứu cũng chỉ ra bổ sung axit rosmarinic bằng đường uống là biện pháp can thiệp hiệu quả cho bệnh nhân ở nhóm tuổi từ 21 - 53 bị viêm kết mạc giác mạc dị ứng theo mùa nhẹ, giảm bớt các triệu chứng ngứa mũi, chảy nước mắt, ngứa mắt.
Tinh dầu tía tô nguyên chất được chiết xuất từ các cơ quan như chồi, thân, lá… còn được biết là có các hoạt tính sinh học khác nhau bao gồm kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm, chống viêm, chống ung thư, chống tiểu đường và chất chống oxy hóa.
Thành phần perillaldehyde trong tinh dầu từ lá tía tô cũng được phát hiện có đặc tính chống trầm cảm.
Người lớn chỉ nên dùng tối đa 2 đến 3 ly nước
lá tía tô/ngày
Bên cạnh đó, hạt tía tô là nguồn cung cấp thành phần axit béo tốt như axit palmitic, axit stearic, axit oleic, linoleic axit và axit linolenic. Ngoài ra, hàm lượng axit béo không bão hòa trong dầu hạt tía tô thường trên 90%, chứa hàm lượng axit α-linolenic khá cao, dao động từ 52,58% đến 61,98%, được kỳ vọng giúp cơ thể giảm mức cholesterol và chất béo trung tính trong huyết thanh, giảm nguy cơ ung thư ruột kết và ngăn ngừa sự phát triển quá mức của các mô mỡ nội tạng.
Chiết xuất lá tía tô đã được chứng minh là ức chế sự tổng hợp tyrosinase và melatonin ở chuột, cho thấy tiềm năng giúp làm sáng da. Uống nước lá tía tô mỗi ngày bổ sung cho cơ thể lượng dưỡng chất lớn có vai trò ngăn chặn sự hình thành sắc tố melamin, nguyên nhân gây nám, tàn nhang, đốm nâu trên da.
Một ngày nên uống bao nhiêu nước lá tía tô?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời TS. BSCKII Trần Ngọc Quế - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Quảng Bình cho biết, bạn có thể lấy 10-20g lá tía tô tươi, cho vào 1 ly nước khoảng 100 ml, đun sôi. Người lớn chỉ nên dùng tối đa 2 đến 3 ly nước lá tía tô/ngày, chia nhỏ từng lần uống.
Ngoài ra khi uống nước lá tía tô bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
- Không nên đun sôi nước tía tô tươi quá 15 phút, vì sẽ bay mất các dinh dưỡng trong lá.
- Không uống lá tía tô thay nước uống hàng ngày.
- Không nên uống quá nhiều nước tía tô trong thời gian dài (lạm dụng nước lá tía tô), vì có tác dụng phụ như gây tăng huyết áp và ảnh hưởng đến hệ tim mạch.
Theo VTCnews
Bạn đang xem: Một ngày nên uống bao nhiêu nước tía tô?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe