Món ăn sáng của nhiều người Việt dễ gây 'cồn nội sinh'
Mức nồng độ cồn trong máu do các món ăn này gây ra thấp hơn rất nhiều nồng độ cồn trong máu của một người mới tiêu thụ rượu bia.
Theo TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cồn - hay nói chính xác hơn là ethanol - là một sản phẩm chuyển hóa được sinh ra trong cơ thể hàng ngày, ngay cả với người không uống bia rượu.
Ethanol là sản phẩm chuyển hóa trực tiếp từ acetaldehyde, mà acetaldehyde có nguồn gốc từ đường glucose, là chất chuyển hóa quan trọng nhất giúp tất cả các sinh vật tạo ra năng lượng hoạt động thông qua hô hấp.
Đặc biệt, khi tiêu thụ thực phẩm có tỷ lệ lớn carbohydrate (giàu carb) thì khả năng chuyển hóa thành ethanol sau khi hấp thụ vào cơ thể cao.
Các món giàu tinh bột có thể gây cồn nội sinh nhưng ở mức rất
thấp (Ảnh: Toàn Vũ).
"Việc cơ thể sinh ra ethanol tuần hoàn trong máu là rất bình thường, một ngày cơ thể có thể sinh ra 0-20g ethanol tùy thuộc nhiều yếu tố như nguồn dinh dưỡng (thực phẩm), khả năng hấp thụ, tốc độ chuyển hóa, tốc độ phân hủy, đào thải ethanol và tình trạng bệnh lý", TS Minh cho hay.
Đáng chú ý, theo chuyên gia này, thói quen của người Việt Nam là thường ăn sáng với thực phẩm giàu carb: bánh mì, cơm, bún, phở…, nên hoàn toàn có thể ghi nhận nồng độ ethanol trong máu vào buổi sáng ở mức thấp.
"Với những người tiêu thụ thường xuyên thực phẩm giàu carb, enzyme phân hủy ethanol bị khiếm khuyết thì rất dễ tăng nồng độ cồn trong máu sau khi ăn, và ngược lại, những người tiêu thụ thực phẩm nghèo carb, enzyme phân hủy ethanol hoạt động tốt thì khó phát hiện ra nồng độ cồn trong máu nếu không tiêu thụ rượu bia", TS Minh thông tin thêm.
Theo TS Minh, đã có nhiều nghiên cứu xác định mức trung bình ethanol trong máu của một người không sử dụng đồ uống có cồn. Mức nồng độ này có phần khác nhau tùy thuộc nghiên cứu, có thể thấp ở mức 0,04 mg/100 ml hoặc tới mức cao hơn là 1,2-6,7 mg/100 ml.
Tuy nhiên, mức nồng độ cồn trong máu kể trên thấp hơn rất nhiều nồng độ cồn trong máu của một người mới tiêu thụ rượu bia (trên 30mg/100 ml).
Do đó nồng độ cồn nội sinh trong hơi thở là rất nhỏ, cần các phương tiện siêu nhạy mới phát hiện dương tính được. Vì thế người dân không nên quá lo lắng.
Đặc biệt hy hữu, có những trường hợp cơ thể sinh ra ethanol liên quan tới bệnh lý do nấm men phát triển quá mức trong đường ruột, làm thực phẩm chuyển hóa mạnh thành ethanol trong quá trình tiêu hóa và dẫn tới làm ngộ độc cơ thể.
Điển hình là hội chứng ABS (auto-brewery syndrome, hội chứng tự sản sinh rượu) làm tăng đột biến ethanol nội sinh và gây ra các triệu chứng giống hệt người say rượu.
Hiện tượng này có khả năng được kích hoạt sau thời gian điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh, làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh.
ABS mặc dù là một tình trạng bệnh lý hiếm gặp, nhưng các nghiên cứu cho thấy là các trạng thái trung gian (mức ethanol nội sinh chưa đến ngưỡng gây độc cho cơ thể, chưa thành tình trạng bệnh lý) có thể vẫn xảy ra khá thường xuyên mà trước đây chưa được đánh giá đúng mức.
Bạn đang xem: Món ăn sáng của nhiều người Việt dễ gây 'cồn nội sinh'
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Nhóm người tuyệt đối không nên nhịn ăn sáng
- Nam thanh niên ở Quảng Bình nghi tự lấy kéo cắt 'chỗ hiểm' đứt gãy
- Vi khuẩn phá hủy xương tai giữa, xâm nhập vào não, người đàn ông hối hận vì từng xem nhẹ bệnh
- Cô gái lấy nước máy rửa mũi phải cấp cứu: Cảnh báo hậu quả vì ký sinh trùng
- Giáo sư bật mí 'bộ tứ siêu đẳng' giúp nuôi dưỡng đường ruột, chống viêm, ngừa ung thư cực tốt
- Nếu cơ thể có 4 đặc điểm này thì xin chúc mừng, có thể bạn đang mang thai