Mỗi bác sĩ online tư vấn mỗi kiểu, người bệnh lạc vào ma trận, tiền mất tật mang

Sau khi được phân tích giúp hiểu rõ vấn đề, ông Huy thấy mất niềm tin với 'ma trận' tư vấn của các bác sĩ trên mạng xã hội.

Ở tuổi ngoài 60, ông Lê Huy (Hà Nội) có nhiều bệnh nền nên rất quan tâm đến sức khỏe, thường xuyên khám định kỳ và mua các loại thực phẩm chăm sóc sức khỏe để uống.

Một lần, ông đọc được bài viết tư vấn về công dụng của hoa đu đủ ngâm mật ong trên website vài bệnh viện. Thấy sản phẩm kết hợp này được ví như “thần dược”, nhiều công dụng trong phòng ngừa ung thư, tốt cho tim mạch, trị ho, viêm họng, ông Huy liền chi tiền mua mật ong và hoa đu đủ về ngâm để uống hằng ngày.

Ông còn tham khảo thêm ý kiến một bác sĩ Tây y thì được khuyên, không nên dùng mật ong ngâm hoa đu đủ vì dễ gặp phản ứng tiêu cực như đau bụng mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc. Ông Huy được bác sĩ khuyến cáo, hoa đu đủ đực ngâm mật ong không phải là “thần dược” như nhiều người vẫn hay truyền tai nhau, không nên tùy ý dùng.

Lúc này, ông Huy thấy bản thân mất niềm tin, hoang mang không biết tin vào ý kiến nào.

Mỗi bác sĩ online tư vấn mỗi kiểu, người bệnh lạc vào ma trận, tiền mất tật mang-1

Hỗn hợp mật ong ngâm hoa đu đủ đực ông Huy ngâm để uống hàng ngày. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ôm hận vì tin lời khuyên trên mạng

Phát hiện ung thư đại tràng từ đầu năm 2024, thay vì chọn phương án phẫu thuật, hóa, xạ trị tốn kém, ông Bùi Văn Hoành (65 tuổi, Sơn La) về nhà đun nước lá xạ đen uống nhiều ngày. Trước đó ông từng đọc được thông tin cho rằng lá cây này có thể chữa ung thư. Trong thời gian uống xạ đen, ông cũng tích cực tìm đến website và một số bác sĩ được nhiều người tin tưởng để xem các hướng dẫn điều trị bệnh hiểm nghèo.

Có lần lướt youtube, ông thấy người trong video nói chỉ cần nhịn ăn là có thể tiêu diệt tế bào ung thư. “Tôi thấy nhiều người nói đây là phương pháp bỏ đói tế bào ung thư”, ông Hoành kể. Biết cơ thể không thể nhịn được cơn đói nên ông không áp dụng cách làm này.

Sau khi uống hết xạ đen, ông Hoành chọn uống hoa đu đủ ngâm với các loại rễ cây để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây cũng là phương pháp ông tìm đọc trên Internet. Sau uống, bệnh chưa khỏi nhưng cơ thể ông suy kiệt, tiên lượng xấu. Lúc này, ông Hoành mới thấy hối hận vì đã tin vào tư vấn trên mạng.

Theo bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, đây là trường hợp đáng tiếc vì bỏ qua thời gian vàng điều trị, khiến bệnh tiến triển nặng, không thể làm gì thêm.

“Người mắc bệnh cần cẩn trọng khi uống bài thuốc truyền miệng, không có căn cứ, thậm chí nhiều người mù quáng tin rằng chữa khỏi ung thư chỉ nhờ uống thuốc nam”, bác sĩ Nam nói. Một số loại ung thư phát triển chậm, khối u có thể không thay đổi nhiều, khiến họ lầm tưởng thuốc nam "hiệu quả" nên tiếp tục dùng. Cho đến khi bệnh nhân đau, suy kiệt, xuất hiện biến chứng, họ mới quay lại bệnh viện thì đã quá muộn.

 

Mỗi bác sĩ online tư vấn mỗi kiểu, người bệnh lạc vào ma trận, tiền mất tật mang-2

Bác sĩ Nam từng tiếp nhận nhiều ca bệnh vì chữa bệnh theo truyền miệng, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị ung thư. (Ảnh: BSCC)

Không tin chiêu trò quảng cáo tràn lan trên mạng

Bác sĩ Hà Hải Nam khuyến cáo người dân không nên phủ nhận vai trò của y học hiện đại, sợ "đụng dao kéo", đặt cược sức khỏe và tính mạng vào thuốc nam, với hy vọng khỏi bệnh. Người dân nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, bác sĩ đúng chuyên ngành, điều trị nếu mắc bệnh. Tuyệt đối không tin vào chiêu trò quảng cáo tràn lan trên mạng dẫn đến bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.

Theo chuyên gia, bên cạnh những người dùng mạng thông thái, hiện vẫn còn nhiều người mù quáng, tiếp cận thông tin không có chọn lọc, không phân biệt được đúng sai.

Có những người bị mất tiền, uống những loại thuốc không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều trường hợp tin và mua sản phẩm được quảng cáo với những "chức năng thần thánh", hoặc những phương pháp chữa bệnh rất phản khoa học.

Người dân không có chuyên môn thì sẽ không phân biệt được cái nào có lợi hay không có lợi. Họ nghĩ những người tư vấn cho họ là những chuyên gia có kinh nghiệm. Điều này dẫn đến việc có thể bị mất tiền vì mua những sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng của những sản phẩm này không đảm bảo. Nghe theo những lời tư vấn như vậy dùng những sản phẩm không tốt sẽ sinh ra tình trạng bệnh nguy cấp hơn, nhanh hơn, tiến triển xấu hơn. Nhẹ thì mất tiền hoặc "tiền mất tật mang", còn nặng hơn nữa có thể nguy hiểm tính mạng.

Ngày nay, việc tra cứu tìm hiểu một vấn đề nào đó trên Internet trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngay cả với việc chữa bệnh, chỉ google là thấy "cả rừng' thông tin, người bệnh thay vì đến bệnh viện, phòng khám thì họ thậm chí còn tự chữa tại nhà, từ đó dẫn đến hệ lụy cho sức khỏe.

Bạn đang xem: Mỗi bác sĩ online tư vấn mỗi kiểu, người bệnh lạc vào ma trận, tiền mất tật mang

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chia sẻ bài viết