Mất hơn 4 tỷ đồng một tháng vì lan đột biến: Bài học đau đớn của một 9X
Từng coi lan đột biến là mớ rau muống, nhưng khi thấy họ hàng thu lãi từ lan chỉ sau vài ngày, anh Ngọc quyết định bán đất, thậm chí vay thêm để tất tay vào lan.
Anh Đình Ngọc (sinh năm 1995) sau hơn một năm thua lỗ tiền tỷ vì lan đột biến được bố mẹ ruột trả nợ giúp, song còn nợ khoảng 400 triệu đồng. Hiện anh đứng trước cảnh mất tiền, mất vợ vì lan.
Từng nghĩ lan đột biến chỉ là mớ rau muống
Anh Ngọc kể trước đây chưa từng quan tâm đến lan, cả khi thấy mọi người xung quanh nói về lan thì cũng chỉ coi đây như rau muống: "Ai cảm thấy ngon thì ăn chứ làm gì có giá trị thế".
Bước ngoặt đến với anh Ngọc vào năm 2021. Tết năm ấy, người cậu nhà nội dẫn anh lên một vườn lan, chứng kiến người mua ra vào tấp nập, anh bỗng thấy hứng thú và về kể với vợ.
Tuy nhiên, phải đến khi người cậu vay tiền mẹ anh để mua lan, chỉ vài ngày sau đã trả cả gốc lẫn lãi, đồng thời kể cho mẹ anh về cách kiếm lời bằng lan, mẹ anh khi nhận được tiền cũng bảo anh thử tìm hiểu xem. "Hình như lan có giá trị thật con ạ", anh Ngọc được mẹ ủng hộ.
Anh chủ động lên mạng tìm hiểu. "Tôi thấy giá mỗi ngày lên một khúc, nên cũng tham và thầm nghĩ mình thử vào chơi thật, đánh nhanh rút gọn xem thế nào", anh bộc bạch.
Những cây lan đột biến trước đây từng được hét giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng một cm song giờ bị rao bán lan hạ giá 50.000-100.000 đồng (Ảnh: Facebook).
Lần đầu chơi lan đột biến, anh Ngọc thực sự đã có lời. Chi gần 600 triệu đồng vào lan để mua qua bán lại, sau khoảng một tháng, số tiền tăng lên gấp rưỡi.
Nhưng có khoản lãi này cũng là lúc biến cố ập tới khi lan đột biến đánh vào lòng tham người chơi. "Tôi nói với vợ cố gắng vào 2 tháng rồi rút là mình có tiền, lan lên nhanh lắm. Cuối cùng, 2 vợ chồng thống nhất bán hết đất, được hơn 2 tỷ đồng để rót vào lan", anh kể.
Số tiền lớn, nhưng cùng lúc đó, họ hàng đằng nội nhà anh cũng cấp tập vay "nóng" nhiều chỗ để vào lan. "Tôi bảo làm vậy nguy hiểm thì họ bảo lo gì, giờ vào 5 tỷ đồng, khoảng 2 tháng nữa lên 10 tỷ đồng là chuyện thường", anh Ngọc nhắc lại câu chuyện cũ.
"Mỗi ngày chú gọi cho tôi mười mấy cuộc, bảo lan của chú lên bằng này, giá bằng này. Tôi nghe mà ham, đánh mất chính mình lúc nào không hay. Lúc đầu tôi khẳng định cây này không có giá trị mà sau đó tôi đi vay thêm gần 2 tỷ đồng nữa. Tổng cộng, tôi vào lan hơn 4 tỷ đồng", anh chua xót.
... nhưng lại mất tiền, mất vợ vì lan
Đúng một tháng sau, lan đột biến xuống giá.
Anh Ngọc kể, khi ấy là thời điểm dịp lễ 30/4-1/5, dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM, muốn bán cắt lỗ cũng không được vì không có người mua. Vậy là ngoài mất trắng số tiền 2 tỷ đồng từ bán đất, anh Ngọc còn gánh thêm khoản nợ 2 tỷ đồng.
Anh chia sẻ: "Khi ấy vợ chồng tôi động viên nhau là nhà vẫn còn điều kiện, bố mẹ có tiền hỗ trợ nên không lo lắng".
Đến năm 2022, khi thấy lan đột biến xuống giá thảm khốc, các chú đằng nội gia đình anh Ngọc lại một lần nữa đua nhau "bắt đáy". "Tôi lại lấy thêm 400 triệu vào tiếp, rồi lại mất hết, tổng là nợ hơn 2 tỷ đồng. Tôi ham quá nên số tiền ấy là vay ngoài với lãi suất cao", anh đau xót.
Lãi suất cao, anh Ngọc báo bố mẹ vợ với mong muốn vay tiền, nhưng họ không thể giúp. Chưa kể, anh Ngọc có lương 10 triệu đồng, còn vợ là 8 triệu đồng, đồng thời phải nuôi thêm một con, nên bố mẹ vợ đánh giá vợ chồng anh không có khả năng trả nợ.
Vợ anh Ngọc cũng gọi điện cho họ hàng nhà ngoại để vay tiền, nhưng bị từ chối. Từ đó, 2 bên xích mích.
Bố mẹ ruột có điều kiện nên đã hỗ trợ anh Ngọc trả nợ, hiện còn khoảng 400 triệu đồng để cho anh tự trả nốt. "Nhưng bố mẹ vợ tôi cương quyết nếu vợ chọn tôi thì phải bỏ họ, còn chọn họ đồng nghĩa phải bỏ tôi", anh đau lòng.
"Bố mẹ vợ chỉ muốn có người con trai thành công và ép vợ tôi ly hôn", anh chua chát nói và cho biết sẽ cố gắng làm việc để trả hết số nợ rồi đón vợ về. Anh cũng không còn hy vọng lấy lại những gì đã mất và cũng quyết không bao giờ xuống tiền cho lan nữa.
Thời điểm đầu năm 2021, thị trường xuất hiện những giao dịch lan đột biến trên khắp cả nước. Các thương vụ được livestream rầm rộ, với số tiền thông báo lên tới hàng chục tỷ đồng.
Tùy vào đặc điểm màu của cánh, mắt, lưỡi hoa, nhà vườn, địa điểm phát hiện, giới chơi cây đặt cho lan những cái tên như 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng HO, Bạch Tuyết, Ngọc Sơn Cước... Không ít hộ dân vay nợ, chi hàng tỷ đồng đầu tư vào lan đột biến với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên lan đột biến dần hết thời, bị hạ giá thấp hơn hàng nghìn lần, ế chỏng chơ.
Tổng cục Thuế từng phải vào cuộc bằng cách phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để xác minh thực tế và đưa ra hàng loạt quy định để thu thuế, quản lý hoạt động giao dịch lan đột biến.
Công an tại nhiều tỉnh cũng ra khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán lan đột biến gen nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đơn vị chức năng cũng cảnh báo dấu hiệu lừa đảo liên quan đến các giao dịch mua, bán lan đột biến gen nhằm trục lợi.
Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn một số tỉnh cũng được yêu cầu phải chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao, nhất là có liên quan đến yếu tố lan đột biến.
Bạn đang xem: Mất hơn 4 tỷ đồng một tháng vì lan đột biến: Bài học đau đớn của một 9X
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Lao vào 'cơn sốt' lan đột biến, nhiều người khuynh gia bại sản thế nào?
- Bài học cay đắng của người từng “ôm” 7 tỷ đồng, hùn vốn mua một chậu lan đột biến
- Lan đột biến nóng trở lại, giá hàng trăm triệu đồng: Dân buôn đang giăng bẫy?
- Dân chơi tiết lộ sự thật lan đột biến trăm tỷ sốt giá trở lại
- Giá thực phẩm 'bủa vây' người nghèo
- Lan đột biến hết thời, rẻ như rau: Người từng dốc tiền tỷ chơi hoa nói gì?