Lý do không nên ngoáy tai thường xuyên
Ngoáy tai dù bằng tăm bông hay móc kim loại cũng có nguy cơ gây viêm nhiễm, tổn thương màng nhĩ và ảnh hưởng đến thính lực.
Tôi hay có thói quen ngoáy tai ngay sau khi tắm vì bị ngứa và cảm giác nước trong tai. Vợ tôi cảnh báo đây là thói quen xấu và nguy hiểm. Bác sĩ có thể giải thích giúp được không ạ? (Trần Tâm, 36 tuổi, Đồng Nai).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Chi Mai, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, tư vấn:
Trước tiên bạn cần biết về cấu tạo của tai, gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài gồm có vành tai và ống tai ngoài. Ống tai ngoài cong như hình chữ S, giống một đường hầm của sụn và xương được lót bởi da. Ở người lớn, chiều dài ống tai ngoài gần 3 cm.
Tai có cơ chế làm sạch tự nhiên. Theo đó, da ống tai di chuyển rất chậm mỗi ngày, bong ra và di chuyển dọc theo ống tai. Đồng thời, mang ráy tai và các chất cặn ra ngoài nhờ cử động của các lông tai cùng với cử động nhai của hàm.
Khi ngoáy tai bằng tăm bông, lớp lông mịn và chất bảo vệ cũng bị cuốn vào tăm bông nên ảnh hưởng đến việc đẩy ráy tai ra ngoài theo tự nhiên. Ráy tai sẽ ứ lại và lâu dài gây ra triệu chứng đau hoặc ù tai, thậm chí gây giảm thính lực, chóng mặt nếu có nút ráy tai.
Bạn cần lưu ý, động tác ngoáy tai quá mạnh bằng tăm bông hoặc dùng móc kim loại, móng tay có thể làm trầy xước da ống tai, mất lớp bảo vệ tai. Từ đó, tạo cơ hội cho bụi bẩn, vi trùng, nấm xâm nhập vào bên trong, gây ngứa tai hoặc nhiễm trùng, nhiễm nấm.
Một số người có thói quen phải ngoáy tai sau khi tắm. Nguyên nhân là do người đó ngoáy tai nhiều làm mất lớp lông tai và lớp bảo vệ. Do vậy, tai không chống được nước vào cũng không đẩy được nước ra ngoài.
Nếu bạn cảm thấy sưng đau, ngứa và ù tai sau khi ngoáy khoảng 2-3 ngày, có thể bạn đã bị nhiễm trùng tai. Khi đó, bạn cần đến khám bác sĩ để điều trị.
Bạn đang xem: Lý do không nên ngoáy tai thường xuyên
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe