Lưu ý không thể bỏ qua để phòng đột quỵ vào mùa đông
Miền Bắc đang trong những ngày rét sâu, nền nhiệt hạ thấp. Việc phòng tránh nguy cơ đột quỵ những ngày lạnh là mối quan tâm của nhiều người.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới và để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tại một hội nghị về đột quỵ mới đây ở Hà Nội, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết căn bệnh này rất nguy hiểm bởi có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kể thời gian, không gian nào. Có người bị đột quỵ khi đang đi máy bay, làm việc hay chơi thể thao
Đột quỵ não có thể gây ra nhiều triệu chứng như người bệnh có hiện tượng tê hoặc yếu cơ, đặc biệt là thường xảy ra ở một bên cơ thể; có dấu hiệu thay đổi thị lực ở một hoặc cả hai mắt; cảm thấy chóng mặt, đi lại khó khăn, khó cử động; nói ngọng, khó nói, lưỡi bị tê cứng…
Miền Bắc đang trong những ngày rét sâu
Để phòng ngừa đột quỵ, chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Chúng ta cũng cần có chế độ ăn uống hợp lý để giúp phòng bệnh hiệu quả.
Bên cạnh đó, tập thể dục đều đặn cũng giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.
Ngoài ra, đột quỵ hay xảy ra trong mùa lạnh do khi bị nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Vì vậy, cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.
Khi trời lạnh cần giữ ấm, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn khi trời còn lạnh. Nếu muốn tập thể dục có thể tập trong nhà vào thời gian muộn hơn.
Mặt khác, cần hạn chế các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, nước ngọt, đồng thời kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
Về nguyên nhân đột quỵ tăng vào mùa đông, BS Nông Quốc Thiên (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn) giải thích nhiệt độ thấp làm mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp làm lưu lượng máu đến não kém. Mặt khác, mạch máu co lại dễ làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch.
Đối với những người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các biến chứng nặng nề.
Đặc biệt với các bệnh nhân có bệnh lý về huyết áp hay tim mạch, khi có những dấu hiệu méo miệng, lưỡi tê cứng, khó nói hoặc không nói được, nhìn mờ, gia đình cần gọi xe cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng. Đây được gọi là “thời gian vàng” quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não.
Thời gian vàng trong đột quỵ não là 3 đến 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ, người bệnh được đưa đến cơ sở y tế càng sớm, tỷ lệ tử vong và di chứng nặng sẽ càng giảm.
Bạn đang xem: Lưu ý không thể bỏ qua để phòng đột quỵ vào mùa đông
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Cách ăn tinh bột giúp giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim
- Người đàn ông 35 tuổi đột quỵ giữa đêm
- Người đàn ông tự cứu mình khỏi cơn đột quỵ cấp
- Các căn bệnh có thể gây tử vong trong 24 giờ
- Cảnh báo nguy cơ đột quỵ gia tăng dịp cận Tết, dễ nhầm với say rượu
- Tắm đêm có thực sự liên quan đến đột quỵ não?