Làm thế nào để không mắc bệnh cúm?

Năm 2024, Việt Nam ghi nhận 8 ca tử vong do cúm mùa và hàng trăm nghìn người mắc. Thời điểm giao mùa khiến các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng trong đó có dịch cúm.

Theo Bộ Y tế, trong năm 2024, cả nước có 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong; trong đó có 4 trường hợp tử vong do cúm A (H1N1) tại Bình Định. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao: Thanh Hóa (46.600 trường hợp), Thái Bình (26.345), Nghệ An (17.949), Hà Tĩnh (14.073), Sơn La (10.162). Hiện nay, cơ quan này chưa ghi nhận biến thể mới của virus cúm.

Dịch cúm có khả năng gia tăng trong thời tiết đông - xuân của miền Bắc. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao.

Khả năng lây lan bệnh cúm

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương giải thích, cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra với các triệu chứng đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, cảm giác khó chịu.

Virus cúm có khả năng lây nhiễm ở mức độ trung bình, một người nhiễm bệnh sẽ lây cho 1-2 người khác chưa có miễn dịch.

Đường lây của virus qua những giọt bắn lớn, khi người bệnh ho hoặc hắt hơi mà không che miệng và mũi có thể lây cho người khác trong bán kính 1m. Các giọt nhỏ hơn ở dạng khí dung, có khả năng bay đi xa, ít mang virus hơn.

Ngoài ra, trong dịch tiết màng nhầy ở mũi họng, miệng cũng có thể mang virus. 


Làm thế nào để không mắc bệnh cúm?-1Bệnh nhân cúm điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Ai có nguy cơ biến chứng nặng 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), dịch cúm do chủng cúm A(H1N1), A(H3N2), cúm B và cúm C. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus, sau đó lây qua đường mũi họng.

Thông thường, mắc bệnh cúm thường diễn biến nhẹ, có thể tự khỏi hoặc theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, cúm cũng có thể gây ra các biến chứng nặng ở người có bệnh mạn tính như tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Virus cúm có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Biện pháp phòng bệnh cúm

Để tránh nguy cơ bị cúm, bác sĩ Ninh khuyến cáo mọi người nên giữ thói quen rửa tay sạch. Đảm bảo vệ sinh đường hô hấp đúng cách, che miệng và mũi bằng khăn giấy dùng một lần khi ho hoặc hắt hơi, sau đó cuộn khăn giấy lại, vứt vào thùng rác có nắp đậy rồi rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Thông thường, người lớn bị cúm có thể lây cho người khác từ thời điểm 1 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng và kéo dài trong khoảng 5-7 ngày. Thời điểm lây lan mạnh nhất là 3-4 ngày đầu tiên khi người bị cúm cảm thấy mình không khỏe. Vì vậy, những người bị sốt và nhiễm trùng đường hô hấp nên được khuyên ở nhà tránh dễ lây cho người khác trong giai đoạn đầu của bệnh.

Khi đi ra ngoài, nơi công cộng nên sử dụng khẩu trang y tế, thực hiện giãn cách. Đeo khẩu trang cần đeo đúng mới hạn chế được các giọt bắn lớn xâm nhập vào mũi miệng. Người bị cúm cần đeo khẩu trang để không phát tán virus sang người khác. Thay khẩu trang 1-2 lần/ngày và cho vào thùng rác có nắp đậy, không sử dụng lại.

Hằng năm, người dân nên tiêm vắc xin cúm đặc biệt là người có bệnh nền, trẻ nhỏ, người cao tuổi. Vắc xin ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng.

Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm virus tấn công hệ hô hấp của người bệnh - mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi. Nhưng đôi khi, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng cúm như: Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi Người lớn trên 65 tuổi Người bệnh ở viện dưỡng lão Phụ nữ có thai và phụ nữ hai tuần sau sinh Những người có hệ miễn dịch yếu Những người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan và tiểu đường Những người rất béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên Mặc dù vắc-xin cúm không hiệu quả 100%, tuy nhiên đây vẫn là cách phòng chống cúm tốt nhất nếu được tiêm hằng năm.

Theo Vietnamnet

Bạn đang xem: Làm thế nào để không mắc bệnh cúm?

Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe

Chủ đề:

Chia sẻ bài viết