Làm món quê đãi bạn, cô sinh viên đâu ngờ trúng mánh làm ăn
Ngọc được bố mẹ gửi cho vài cân kiệu tươi. Tranh thủ lúc rảnh, cô sinh viên liền trổ tài làm kiệu lá cuốn chấm mắm ớt, mỗi tháng thu về hơn chục triệu đồng.
Minh Ngọc quê ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) là sinh viên năm cuối, đang thuê trọ của Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội.
Ngọc chia sẻ, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, Ngọc và các bạn chủ yếu học online nên có nhiều thời gian rảnh để mày mò làm bếp. Cứ có thời gian, cô lại vào bếp học làm những món yêu thích. Đặc biệt, Ngọc rất thích làm món ăn theo mùa. Chẳng hạn mùa sấu thì mua sấu về ngâm hoặc làm ô mai sấu, ô mai gừng, mùa hồng làm hồng treo gió đãi các bạn ở cùng.
Quê Ngọc có đặc sản củ kiệu, đến tháng 10 âm là kiệu vào mùa nên Ngọc tranh thủ trổ tài làm món kiệu lá cuốn ngâm mắm ớt, hay còn gọi là kiệu cuốn cả lá. Đây là món ăn đặc trưng vùng miền Quảng Trị, hầu như ai nếm rồi cũng thích. Ngọc thì ăn từ nhỏ, được bà nội và mẹ dạy cách làm hồi học lớp 8. Lúc ở nhà, tới mùa kiệu là ngày nào cô cũng làm vì món đó rất đưa cơm.
Kiệu lá cuốn ngâm mắm ớt là món ăn đặc trưng của miền quê Quảng Trị.
Đầu tháng 10, Ngọc được bố mẹ gửi cho vài cân kiệu tươi. Tranh thủ thời gian, cô liền trổ tài làm kiệu lá cuốn chấm mắm ớt mời mọi người.
“Mình trọ chung với hai người bạn, cả hai đều chưa được biết tới món kiệu cuốn cả lá. Khi mình làm mời mọi người, ai cũng khen ngon. Vì muối nhiều, mình mời mọi người trong xóm trọ ăn thử. Kết quả, cả xóm đều thích mê món này. Mọi người bảo mình làm bán đi, họ sẽ quảng cáo, chia sẻ lên trang cá nhân giới thiệu khách giúp”, cô sinh viên kể
Thấy ý tưởng đó khá ổn nên Ngọc gọi điện về nhờ bố mẹ chuyển ra cho chục cân kiệu tươi rồi bắt tay vào làm ngay, bởi nguyên liệu làm kiệu lá cuốn chấm mắm ớt khá đơn giản.
Muốn làm kiệu muối mắm ớt ngon, theo Ngọc, đầu tiên là phải chọn kiệu vừa tầm, lá xanh tươi không bị già quá để lá kiệu vừa thơm, xanh mà lại mềm ngọt.
Tiếp theo nhặt sạch kiệu, bỏ những lá già, bỏ rễ rồi rửa thật sạch cả phần củ kiệu, thân lá kiệu sau đó mang phơi ráo nước sao cho héo một chút để lá kiệu mềm cuốn lại được. Bước tiếp theo là cho kiệu vào thau, cho nước vào ngập kiệu, pha lượng muối mặn vào ngâm ngập kiệu 5 -7 tiếng, khi thấy kiệu hơi mềm là được.
Khâu nấu nước ngâm kiệu cũng vô cùng quan trọng, bởi kiệu cuốn cả lá ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách pha nước ngâm, tỷ lệ đường, muối, mắm, giấm phải đều, vừa đủ tới tầm theo tỷ lệ nhất định rồi khuấy đều, nấu sôi. Khi nấu, nếm thấy vị chua mặn ngọt vừa ăn là tắt bếp để nguội.
Trung bình một ngày, Ngọc bán khoảng 80 hộp kiệu cuốn cá lá
Xay ớt, tỏi hoặc cắt lát mỏng cho vào nước nấu pha chế đã nguội hẳn. Kiệu sau khi ngâm nước muối được vớt ra, rửa lại nhiều lần với nước đun sôi để nguội rồi lại để ráo, cuốn chặt kiệu, cho vào lọ đựng. Tiếp đến, đổ nước gia vị đã pha theo tỷ lệ vào ngâm, để 2-3 ngày sau là ăn được. Khi đó, kiệu vừa giòn mà ngấm đủ độ cay thơm của ớt tươi, vị mặn ngọt của nước mắm pha hòa quyện lại. Nếu bảo quản trong tủ mát thì kiệu cuốn lá ngâm mắm có thể ăn trong vòng chục ngày.
Nhờ bạn bè giới thiệu tới người quen, khách đặt mua kiệu lá cuốn chấm mắm ớt của Ngọc ngày càng đông. Cô cũng vào các nhóm chợ mạng để chào hàng.
Ban đầu, mỗi ngày Ngọc chỉ nhận khoảng 20 hộp, giá mỗi hộp 90.000 đồng chưa gồm phí ship. Sau đó, khách đặt đông hơn, cô thuê luôn các bạn cùng phòng làm rồi chia doanh thu. Kiệu mua từ quê gửi ra theo tuần, ngoài thời gian học cô với 2 bạn tập trung làm kiệu muối. Trung bình một ngày, Ngọc chốt được khoảng 70 tới 80 hộp. Trừ mọi chi phí, cô thu về khoảng 13-15 triệu đồng/tháng. Ngọc trả cho hai bạn làm cùng mỗi bạn 3 triệu, còn lại là phần lời của mình.
"Giáp Tết, chắc khách sẽ mua nhiều hơn, các bạn mình nhờ đó cũng có thêm thu nhập trong mùa dịch nên ai cũng phấn khởi”, Ngọc nói.
Là người nghiện ăn món kiệu cuốn lá ngâm mắm, chị Thanh ở Hà Đông, nhận xét: “Món kiệu cuốn lá ngâm mắm chứa đủ bốn vị chua - cay - mặn - ngọt khiến mình thích mê. Đầu mùa kiệu, thấy chợ mạng rao bán mình đã đặt mua 3 cân về ăn. Kiệu cuốn cả lá ăn với thịt chân giò luộc, gân bò, thịt ba chỉ đều ngon. Thậm chí ăn với cơm trắng cũng đưa cơm vô cùng”.
Theo Đông y, củ kiệu có vị cay, tính ấm; có tác dụng bổ khí, ôn ấm tỳ vị, thông dương tán kết chủ trị đau ngực, bứt rứt khó chịu, ho suyễn nhiều đờm, nôn khan, viêm phế quản mạn tính, viêm dạ dày mạn tính, kiết lỵ mót rặn, mụt nhọt sưng đau. Vậy nên kiệu không chỉ là một gia vị món ăn mà còn được xem là một vị thuốc quý trong dân gian.
Bạn đang xem: Làm món quê đãi bạn, cô sinh viên đâu ngờ trúng mánh làm ăn
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Món lạ 'hao cơm tốn bia', đầu tháng ế ẩm, sau rằm nườm nượp khách
- Giá rẻ chưa từng có, quất ngọt Đài Loan tràn ngập chợ
- Ký tự đặc biệt xuất hiện trên thực phẩm đóng hộp mà 90% người mua không biết ý nghĩa gì
- Đặt quả sầu riêng giá rẻ trên mạng, khách 'sốc nặng' với thứ bên trong
- Quất mà lại ngọt - loại quả vừa lạ vừa quen này chị em ăn thử là thích mê
- Quán bán đặc sản 'rồng đất', 30 năm khách xếp hàng tranh mua ở Hà Nội