Lạ kỳ căn bệnh mùa đông đang gây dịch giữa ngày nắng, nhiều ca rất nặng phải nhập viện
Những ngày gần đây tại các bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm đều có dấu hiệu gia tăng bệnh nhân mắc cúm A – căn bệnh thường xuất hiện vào mùa đông. Điều đáng nói bệnh nhân nhập viện với dấu hiệu khá nặng như sốt cao không hạ, viêm phổi và có những bệnh nhân để lại di chứng nặng như viêm não.
Tại khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị bệnh nhi ở Nghệ An mắc cúm A/H5N1 rất nặng đang phải chạy ECMO. Trước khi nhập viện trẻ sốt cao nhiều ngày, đã điều trị ở tuyến dưới 7 ngày nhưng không thuyên giảm mà càng sốt cao, ho. Bệnh nhi nhập Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp nặng và tổn thương phổi nặng nề. Gia đình cho biết, trước đó bệnh nhân không có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.
PGS, TS Tạ Tuấn Anh, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa cho biết bệnh nhi bị tổn thương phổi rất nặng, đã phải điều trị ECMO, nhưng tình trạng chung rất nặng nề, các chỉ số chức năng sống vẫn được duy trì, nhưng tổn thương phổi hồi phục rất chậm.
Tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho hơn 45 bệnh nhi mắc cúm A, tăng hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Có bệnh nhi sốt cao, nôn, tụt huyết áp, gia đình đưa đi cấp cứu thì mới biết con mắc cúm A.
Chung tình trạng gia tăng bệnh nhân cúm A là Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Vài tuần lại đây ghi nhận số ca vào nhập viện tăng bất thường so cùng thời điểm các năm trước, chiếm tỷ lệ 1/5 -1/54 trên tổng số ca nhi vào khám mỗi ngày. Cũng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi ngày Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tiếp nhận 30-40 trường hợp nhiễm cúm A đến khám. Các trường hợp phải nhập viện chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai.
Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận nhiều ca mắc cúm A là người lớn, có trường hợp vào nhập viện bị viêm phổi, suy hô hấp. Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, các năm trước, dịch sốt xuất huyết xuất hiện trước, sau đó mới đến cúm A, nhưng năm nay chúng tôi ghi nhận sự trái ngược. Cá biệt có trường hợp thấy sốt không hạ lại tưởng bị tái nhiễm COVID-19, đến khi mệt lả, gia đình đưa đến viện xét nghiệm mới biết mắc cúm A.
Trước tình hình dịch cúm A gia tăng bất thường, Bộ Y tế khuyến cáo, cúm A là bệnh rất dễ lây lan, ai cũng có thể mắc, nhất là nơi tập trung đông người, vì vậy người dân nên tiêm vắc xin để phòng bệnh.
Theo các chuyên gia, việc xuất hiện nhiều ca mắc cúm A tại thời điểm này có dấu hiệu bất thường. Cúm A rất ít xuất hiện trong mùa nắng nóng, do virus cúm không phát triển và gây bệnh trong thời tiết khô, nóng, mà thường sinh sôi mạnh vào mùa đông - xuân khi thời tiết lạnh, nồm, ẩm.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc cúm A tại BV Nhi Trung ương.
Ảnh: Thái Hà
TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, ban đầu triệu chứng của trẻ là sốt do mắc cúm. Sau đó vài ngày, trẻ có thể bị viêm phổi do vi khuẩn. “Biến chứng nguy hiểm nữa gần đây xuất hiện nhiều là viêm não sau khi mắc cúm. Khoảng 3-5 ngày mắc cúm, trẻ sẽ có biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương như lơ mơ, li bì, co giật…”, bác sĩ Hải thông tin thêm.
Các bác sĩ cho biết một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm đó là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó trẻ em dưới 2 tuổi ở mức nguy cơ đặc biệt cao; người lớn trên 65 tuổi; những người có tình trạng bệnh lý mạn tính (bệnh tim, phổi, tiểu đường, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch); phụ nữ trong tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ.
Để phòng tránh cúm A, bác sĩ Hải khuyến cáo các phụ huynh nên tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm cho con hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra (tháng 3, 4, 9, 10 trong năm).
Bạn đang xem: Lạ kỳ căn bệnh mùa đông đang gây dịch giữa ngày nắng, nhiều ca rất nặng phải nhập viện
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe