Khó thở, tràn dịch màng phổi do sán ký sinh
Bệnh nhi 7 tuổi thường xuyên tức ngực, không khó thở, tràn dịch màng phổi, nhập viện hai lần mới chẩn đoán mắc sán lá phổi.
Bé trai 7 tuổi (Tuyên Quang) được mẹ đưa đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ trong tình trạng tổn thương phổi, ngực đau tức, khó thở.
Mẹ bé cho biết trước khi vào viện con trai ăn cua đá nướng. Vài tháng gần đây trẻ xuất hiện triều chứng đau đầu, buồn nôn, được thăm khám tại bệnh viện tỉnh, nghi ngờ xuất huyết não được chuyển tuyến lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Qua chụp chiếu, xét nghiệm cho thấy, trẻ bị tổn thương tràn dịch màng phổi. Bệnh nhi thi thoảng kêu tức ngực, không khó thở, được điều trị tràn dịch màng phổi ổn định và xuất viện.
Về nhà được một thời gian trẻ tiếp tục xuất hiện triều chứng tức ngực, khó thở được đưa đi cấp cứu. Kết quả xét nghiệm máu của trẻ nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng nên được giới thiệu đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.
Qua thăm khám trẻ được chẩn đoán mắc sán lá phổi. Bác sĩ Phùng Xuân Hách, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, nguyên nhân gây bệnh cho trẻ có thể là do ăn phải cua đá nhiễm ấu trùng sán lá phổi chưa được nướng chín kỹ. Bệnh nhi được chỉ định nằm viện một tuần để điều trị sán.
Theo bác sĩ, trung bình bệnh viện tiếp nhận khoảng vài chục ca sán lá phổi/năm. Người nhiễm sán lá phổi thường có triệu chứng ho nhiều, khạc đờm, đờm kèm máu, có thể tức ngực, khó thở. Điều này khiến bệnh nhân dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như lao phổi, viêm phổi, viêm phế quản.
"Khi bệnh nhân ho, đau tức ngực thường là tổn thương tại phổi", bác sĩ Hách nói và cho biết, bệnh nhân nhiễm sán lá phổi nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề tại phổi.
Trên thế giới, hơn 40 loài sán lá phổi thuộc giống Paragonimus được báo cáo lây nhiễm cho động vật và người. Trong số hơn 10 loài được báo cáo lây nhiễm sang người, phổ biến nhất là P. westermani. Hiện ở Việt Nam mới chỉ phát hiện được loài P. heterotremus gây bệnh trên người.
Bệnh sán lá phổi được xác định lưu hành ở một số tỉnh phía Bắc nước ta như Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An.
Người hoặc động vật ăn phải tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín như cua nướng, mắm cua, uống nước cua sống thì sau khi ăn ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng, rồi từng đôi một xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào phế quản để làm tổ ở đó. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành khoảng 5-6 tuần.
Để phòng bệnh sán lá phổi, bác sĩ khuyến cáo luôn ăn chín, uống sôi, để phòng trừ bị sán lá phổi, tuyệt đối không ăn cua hoặc tôm chưa nấu chín. Mỗi người phải có ý thức quản lý chất thải cá nhân như đờm, phân hoặc dịch màng phổi, giữ vệ sinh môi trường. Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh nên thăm khám để được điều trị kịp thời.
Bạn đang xem: Khó thở, tràn dịch màng phổi do sán ký sinh
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Bệnh nhi 10 tháng tuổi nguy kịch: Cảnh báo sử dụng nguồn nước bẩn, nguy cơ ký sinh trùng ăn não tấn công
- Bộ phận này của tôm chứa đầy ký sinh trùng, thèm đến mấy cũng đừng nên ăn
- Trên cây mọc “ký sinh trùng” đen đúa, người tinh mắt cắt bán kiếm ngay gần 7 triệu đồng/kg
- Chân tay co giật, sùi bọt mép, cô gái hoảng hồn khi biết có giun ký sinh 20cm trong não
- Cô gái lấy nước máy rửa mũi phải cấp cứu: Cảnh báo hậu quả vì ký sinh trùng
- 4 bộ phận bẩn nhất của con gà, chứa đầy ký sinh trùng nhưng nhiều người vẫn ăn