Khách từ Hà Nội mua đất nền cách ngàn km không cần xem thực tế: Đất nền là 'vua' nhưng đừng thấy ‘sốt’ là ‘nhảy’ vào mua

Tổng giám đốc Asian Holding nhắc lại câu chuyện cuối năm 2021, công ty bán đất tại một dự án ở miền Nam cho 70% khách hàng ở Hà Nội mà họ không cần đi xem dự án vẫn chuyển luôn tiền cọc.

Chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding nhắc lại câu chuyện cuối năm 2021, phân khúc đất nền có ‘sóng’ rõ ràng khi công ty ông bán đất tại một dự án ở miền Nam cho 70% khách hàng ở Hà Nội mà họ không cần đi xem dự án nhưng vẫn chuyển tiền đặt cọc.

Thậm chí, mua xong họ ủy quyền cho sales đi công chứng... Điều này cho thấy, những dự án đầy đủ pháp lý, có sẵn “sổ đỏ” nhà đầu tư vẫn luôn yên tâm lựa chọn đầu tư.

Khách từ Hà Nội mua đất nền cách ngàn km không cần xem thực tế: Đất nền là vua nhưng đừng thấy ‘sốt’ là ‘nhảy’ vào mua-1

Đất nền luôn là kênh đầu tư ‘vua’, nhưng đừng thấy ‘sốt’ là ‘nhảy’ vào mua.

Ông Hậu nhận định, tiếp tục "sóng" 2021, sang năm 2022, các dự án đất nền, nhà liền thổ vẫn sẽ tốt. Đất nền vẫn luôn là kênh đầu tư "vua", an toàn, thanh khoản nhanh.

“Tuy nhiên, muốn đầu tư vào đâu tốt nhất phải tìm hiểu, phải có kiến thức hãy nên đầu tư; đừng thấy chỗ nào ‘sốt’ là ‘nhảy’ vào mua.

Chỗ ‘sốt” đất là chỗ ra hàng chứ không phải là chỗ để đi mua hàng; giống như thị trường chứng khoán, khi thị trường hưng phấn là lúc để bán chứ không phải lúc để mua. Bất động sản cũng vậy, chỗ nào cứ “sốt” đất, người ta cầm tiền "lướt cọc" thì chỗ đó là chỗ “thoát hàng” chứ không phải để mua”, ông Hậu lưu ý.

Cùng với đó, theo ông Hậu, đầu tư đất nền năm 2022, nhà đầu tư vẫn luôn cần cảnh giác với những câu chuyện đã từng xảy ra như vụ Alibaba, đất nền phân lô từ đất nông nghiệp... Hiện vẫn có tình trạng bán đất nông nghiệp ra sổ luôn nên những trường hợp mua đất nông nghiệp rất rủi ro; khi không có quy hoạch đất thổ mà mua thì cực kỳ rủi ro cho nhà đầu tư.

“Khi đầu tư, nhà đầu tư cũng nên lựa chọn uy tín của chủ đầu tư hoặc dự án có ‘sổ đỏ’ rồi. Nên lựa chọn thị trường đầu tư dựa theo đầu tư công, sắp tới thực hiện những tuyến đường, cao tốc nào; tỉnh nào sẽ giải ngân nhiều nhất hay dựa vào các chỉ số thu hút đầu tư FDI, chỉ số tăng trưởng của tỉnh...

Nhà đầu tư mà lựa chọn những thị trường đã quá nóng sốt, giá đã “đẩy” lên quá cao rồi thì khó “thoát hàng”, nhiều khi phải ‘cắt lỗ’ mới ‘thoát hàng’ được”, ông Hậu nói thêm.

Ngoài phân khúc đất nền, vị này cũng cho rằng, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã bị ảnh hưởng nhiều do tình hình dịch bệnh những năm qua, tuy nhiên 3 năm qua phân khúc này đã đi xuống rồi thì năm nay có thể phân khúc này sẽ thu hút nhà đầu tư.

Cũng chia sẻ với Infonet, ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Khang Land đánh giá: “Thị trường bất động sản ‘sốt nóng’ sẽ chỉ tốt với một số đối tượng chứ không tốt với cả thị trường. Bất động sản tăng ‘nóng’ quá cũng không tốt, nó sẽ đẩy lạm phát, đẩy chi phí lên một mặt bằng mới. Giá thành nên có sự kiểm soát để cung – cầu thực sự hài hòa. Giá ‘đẩy’ cao thì mua vào giá lại cao thì tốt nhất để giá mua vào thấp và bán giá có lãi sẽ có lợi cho cả người mua lẫn người bán”.

Theo ông Cao, năm 2022, thị trường bất động sản sẽ có biến động mạnh, sẽ phân hóa rất lớn, không phải đầu tư vào bất động sản nào cũng thắng.

“Những dự án bất động sản được quy hoạch đồng bộ sẽ lên ngôi, những dự án nhỏ lẻ, tự phát sẽ đi xuống. Khi chính sách có nhiều thay đổi, hành vi tiêu dùng cũng sẽ thay đổi sẽ tác động nhiều đến việc đầu tư trong năm 2022”, ông Cao cho hay.

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2021 trên cả nước có 282.105 giao dịch bất động sản thành công. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 111.640 giao dịch; lượng giao dịch đất nền là 170.465 giao dịch; riêng tại TP Hà Nội có 10.875 giao dịch thành công; tại TP.HCM có khoảng 14.443 giao dịch thành công.

Bạn đang xem: Khách từ Hà Nội mua đất nền cách ngàn km không cần xem thực tế: Đất nền là 'vua' nhưng đừng thấy ‘sốt’ là ‘nhảy’ vào mua

Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm

Chia sẻ bài viết