Kết hôn sau bao lâu không có con thì cần đi khám vô sinh?
Việc xác định thời điểm khám vô sinh là yếu tố quan trọng giúp các cặp vợ chồng sớm phát hiện và điều trị các vấn đề về khả năng sinh sản.
Theo TS.BS. Nguyễn Thị Vân Anh (Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, IVF Bệnh viện Bạch Mai), các cặp vợ chồng nên chú ý đến những mốc thời gian sau để đưa ra quyết định khi nào nên đi khám:
Đối với những cặp vợ chồng dưới 35 tuổi, đang duy trì đời sống tình dục bình thường và không sử dụng biện pháp tránh thai, nhưng sau một năm vẫn chưa có thai thì nên đi thăm khám vô sinh.
Độ tuổi dưới 35 được coi là giai đoạn sinh sản tốt nhất, vì vậy, nếu sau một năm cố gắng mà vẫn không thấy có thai, có thể các bạn đang gặp phải những vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản và cần sự can thiệp y tế kịp thời.
Với các cặp vợ chồng trên 35 tuổi, thời gian để quyết định đi khám vô sinh cần được rút ngắn hơn. Nếu sau 6 tháng không sử dụng biện pháp tránh thai, đời sống tình dục bình thường nhưng vẫn chưa có thai, các bạn nên sớm tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn.
Độ tuổi trên 35 có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nên việc chờ đợi quá lâu có thể làm giảm cơ hội điều trị thành công.
Kết hôn sau bao lâu không có con cần đi khám vô sinh?
Thời điểm tốt nhất cần đi khám vô sinh
TS.BS. Nguyễn Thị Vân Anh cũng đưa ra lời khuyên cụ thể về thời điểm tốt nhất để thăm khám. Với người vợ, có hai mốc thời gian quan trọng cần lưu ý:
Ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt:Đây là thời điểm lý tưởng để xét nghiệm nội tiết tố và siêu âm đếm nang thứ cấp. Kết quả của các xét nghiệm này sẽ cung cấp thông tin về khả năng sinh sản của người phụ nữ và giúp bác sĩ đánh giá chính xác hơn về tình trạng sức khỏe sinh sản.
Sau khi sạch kinh 2-3 ngày: Thời điểm này cần kiêng quan hệ để thực hiện các xét nghiệm phụ khoa, x-quang tử cung và vòi trứng. Những xét nghiệm này giúp phát hiện các bất thường về cơ quan sinh sản và tìm ra nguyên nhân gây vô sinh.
Với người chồng, không có mốc thời gian cụ thể nào bắt buộc. Tuy nhiên, khi chuẩn bị đi khám, nam giới nên kiêng xuất tinh từ 3-5 ngày để đảm bảo chất lượng mẫu tinh dịch đồ, giúp kết quả kiểm tra chính xác hơn.
Các cặp đôi nên khám sức khoẻ tiền hôn nhân.
ThS.BS Phan Chí Thành nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc khám vô sinh, khám tiền hôn nhân cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe sinh sản và chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân.
Thông qua việc khám tiền hôn nhân, các cặp đôi có thể dự phòng các nguy cơ tiềm ẩn như bệnh viêm nhiễm, viêm gan và HIV. Những bệnh lý này nếu không được phát hiện sớm có thể gây ra biến chứng nguy hiểm trong quá trình mang thai và ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Việc phát hiện sớm giúp các cặp đôi có những biện pháp phòng ngừa kịp thời, bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình trong tương lai.
Ngoài ra, trong bối cảnh công nghệ gen ngày càng phát triển, khám tiền hôn nhân còn bao gồm việc sàng lọc gen của các cặp vợ chồng. Sàng lọc này có thể giúp phát hiện những gen bệnh tiềm ẩn, từ đó đánh giá nguy cơ dị tật cho thai nhi. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe của thế hệ sau, bởi nếu cả hai vợ chồng đều mang gen có khả năng truyền bệnh di truyền, bác sĩ sẽ đưa ra cảnh báo cụ thể.
Trong những trường hợp này, các cặp đôi cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định tiến tới hôn nhân. Nếu quyết định vẫn tiến hành hôn nhân thì cần phải có các biện pháp y học hỗ trợ để giảm thiểu tối đa nguy cơ bệnh di truyền cho con cái.
Điều này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của thế hệ sau mà còn giúp các cặp đôi có sự chuẩn bị tốt nhất về tâm lý và sức khỏe trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Bạn đang xem: Kết hôn sau bao lâu không có con thì cần đi khám vô sinh?
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Những thực phẩm hay ăn là thủ phạm gây hại cho 'bản lĩnh đàn ông'
- Ho ra máu, đi khám nhiều nơi không ra bệnh ai ngờ vì thói quen sinh hoạt ăn uống
- Nguyên nhân khiến người trẻ tuổi mắc chứng hay quên
- Ba mối nguy tiềm ẩn và một điều tối kỵ khi ăn thịt lợn
- Nước muối sinh lý có tác dụng như kháng sinh không? Tại sao không nên tự pha nước muối sinh lý dùng tại nhà?
- 6 loại gia vị quen mặt giúp hô biến tách trà của bạn thành 'thần dược' tự nhiên