Hội chứng 'trái tim tan vỡ' gia tăng hậu Covid-19
Tình trạng này có thể gây tử vong khi người bệnh quá đau buồn vì sự kiện cảm xúc nào đó. Dưới tác động của Covid-19, tỷ lệ mắc hội chứng “trái tim tan vỡ” đang gia tăng.
Tình hình dịch Covid-19 bắt đầu hạ nhiệt ở nhiều nơi trên toàn cầu. Song, đây là lúc ngành y tế thế giới chứng kiến sự gia tăng của nhiều ảnh hưởng do hậu Covid-19 gây ra. Một trong số đó là làn sóng hội chứng “trái tim tan vỡ” tăng cao.
Nhiều người cho rằng hội chứng này chỉ ảnh hưởng những người phải đối mặt cuộc chia tay tồi tệ hay đang đau buồn. Nhưng đây là tình trạng nghiêm trọng hơn thế. Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các bác sĩ tim mạch nhận thấy nhiều người gặp phải tình trạng này hơn.
Căn bệnh đe dọa tính mạng
Mary Kay Abramson, 63 tuổi, ở Brookeville, Maryland, Mỹ, được chẩn đoán mắc hội chứng trái tim tan vỡ vào năm 2020. Theo ABC News, bà không mắc Covid-19 nhưng dưới những áp lực của tình trạng giãn cách xã hội, đóng cửa kéo dài, cộng với mất việc, người phụ nữ này bị tổn thương tinh thần khá lớn và phải nhập viện.
“Trái tim tôi như đập thình thịch như sắp bắn ra khỏi lồng ngực. Tôi có cảm giác máu không thể đi qua tim đủ nhanh. Bác sĩ tim mạch của tôi từng hỏi tôi có bị căng thẳng nhiều không vì động mạch có vẻ không ổn. Thú thực là 3 tháng giãn cách ở nhà khiến tôi rất căng thẳng", bà Mary chia sẻ. Tình trạng này xảy ra mà không có triệu chứng cảnh báo. Thậm chí, các bác sĩ chẩn đoán cho bà còn rất ngạc nhiên khi biết người phụ nữ này mắc hội chứng “trái tim tan vỡ”.
Bà Mary Kay Abramson được chẩn đoán mắc hội chứng "trái tim tan
vỡ" sau khi mất việc vì Covid-19. Ảnh: ABC News.
Các bác sĩ cho biết đây là trường hợp điển hình của người mắc hội chứng “trái tim tan vỡ”. Dạng bệnh tim này hiếm gặp nhưng dễ xuất hiện khi người mắc căng thẳng về tinh thần hoặc thể chất. Kết quả là cơ thể sản xuất hàng loạt adrenalin (loại hormone được giải phóng khỏi tuyến thượng thận), khiến tim bơm máu kém hiệu quả, gây nhiều căng thẳng trong cơ thể.
TS Bairey Merz, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Barbra Streisand tại Cedars-Sinai, Mỹ, cho biết cứ 5 người có một người ca mắc “trái tim tan vỡ” sẽ gặp phải cơn đau khác trong vòng 10 năm.
Hội chứng “trái tim tan vỡ” là gì?
Theo Mayo Clinic, hội chứng “trái tim tan vỡ” còn được gọi là bệnh Takotsubo hay cơ tim do căng thẳng, khiến tâm thất trái bị biến dạng nên tim không còn bảo đảm được chức năng bơm đủ lượng máu đi nuôi cơ thể. Bệnh được một chuyên gia Nhật Bản phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990 với 5 người mắc. Đến năm 1998, Mỹ phát hiện ca bệnh đầu tiên. Từ đó, số người bị hội chứng trái tim tan vỡ không ngừng gia tăng.
Triệu chứng của bệnh là các cơn đau tim, thắt ngực, hụt hơi, xuất hiện để đáp ứng với căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần. Các dấu hiệu thường hết sau vài ngày đến vài tuần. Giới chuyên gia vẫn đang tìm hiểu tác động lâu dài của nó tới tim và cơ thể người bệnh.
Ngoài nguy cơ tái phát cao, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân bị hội chứng này cũng ngang các ca bị nhồi máu cơ tim: khoảng 3,7%.
Thời gian giãn cách kéo dài, áp lực kinh tế, sợ hãi dịch bệnh
khiến tỷ lệ mắc hội chứng "trái tim tan vỡ" tăng cao. Ảnh:
iStock.
Tháng 10/2021, Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, California, Mỹ, công bố nghiên cứu trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (JAHA), phát hiện phụ nữ sau tuổi trung niên có tỷ lệ mắc hội chứng trái tim tan vỡ cao gấp 10 lần phụ nữ trẻ hoặc nam giới ở mọi lứa tuổi. Tình trạng này vốn được coi là hiếm gặp, song, đang dần phổ biến và tỷ lệ mắc tăng lên đáng kể trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Hội chứng "trái tim tan vỡ" vốn là kết quả của chứng căng thẳng nghiêm trọng về tình cảm hoặc thể chất, chẳng hạn phát hiện bệnh đột ngột, mất người thân, tai nạn nghiêm trọng, kinh doanh thua lỗ, biến cố ly hôn...
Đó cũng là lý do nhiều người mắc Covid-19 có nguy cơ bị hội chứng này cao hơn. Thời gian giãn cách kéo dài, tâm lý lo lắng khi có kết quả xét nghiệm dương tính, phải cách ly điều trị, áp lực về kinh tế, lo sợ mất việc, cảm giác bấp bênh trong đại dịch, bi quan, sợ hãi, thậm chí trầm cảm, lo âu là những yếu tố khiến chúng ta dễ bị hội chứng "trái tim tan vỡ".
Lý giải về nguyên nhân nữ giới trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, GS tim mạch Erika J. Glazer, giải thích não và hệ thần kinh phản ứng với các tác nhân gây căng thẳng, nhất là khi phụ nữ già đi.
Với phụ nữ, cách thức não và hệ thần kinh phản ứng với tác nhân gây căng thẳng có xu hướng thay đổi theo thời gian. Một trong hai bộ phận này phản ứng thái quá với căng thẳng có thể ảnh hưởng tới tim mạch.
Bạn đang xem: Hội chứng 'trái tim tan vỡ' gia tăng hậu Covid-19
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Hội chứng VEXAS khiến người bệnh suy nhược và ốm yếu không chỉ có ở nam giới
- Trẻ mắc hội chứng Tic gia tăng do xem tivi, sử dụng điện thoại nhiều
- Di chứng hậu Covid-19 nguy hiểm ở trẻ nhỏ
- Ai dễ bị xơ phổi hậu Covid-19?
- Đang nhiễm COVID-19, F0 có những dấu hiệu này thì tuyệt đối không nên quan hệ vợ chồng
- Sắp tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, cha mẹ cần chuẩn bị gì? Trẻ mắc bệnh nào không được tiêm?