Hết sốt xuất huyết lại tới cúm A 'hành': Thở như cá ngáp, cả nhà nằm viện
Chưa kịp mừng vì con gái 3 tuổi được xuất viện sau đợt điều trị sốt xuất huyết, cả nhà chị Hương lại chật vật bước vào "cuộc chiến" mới.
Thở như cá ngáp, người đau như bị đánh
"Con vừa khỏi sốt xuất huyết được 5 ngày thì bất ngờ lại sốt cao 40-41 độ C. Chườm khăn, uống thuốc hạ sốt vẫn không cắt cơn được tí nào, kèm theo đó là tình trạng ho dai dẳng, sổ mũi xanh. Sau 3 ngày thấy tình trạng không cải thiện, chúng tôi lại đưa cháu đến viện mới phát hiện bị cúm A", chị Hương sống tại Hà Nội chia sẻ (tên nhân vật đã được thay đổi).
Hà Nội rộ dịch cúm A, nhiều người tự mua test nhanh về để xét
nghiệm (Ảnh: Chụp màn hình).
Khi bị sốt xuất huyết, con gái chị dù không diễn biến quá nặng nhưng nôn trớ nhiều, ăn kém nên sau khi xuất viện người xanh xao thấy rõ. Cơ thể chưa kịp hồi phục của cháu bé lại tiếp tục bị "bào mòn" bởi trận ốm tiếp theo.
"Chưa khi nào con ốm liên tục như vậy, nhìn con héo mòn mà bố mẹ thấy xót xa", chị Hương kể.
Sau khi được chẩn đoán mắc cúm A, con chị Hương được điều trị theo phác đồ chuẩn và sớm khỏi bệnh. Tuy nhiên, lần này lại đến lượt người lớn trong nhà thành bệnh nhân vì lây cúm A từ con.
"Bị sốt 3 ngày không hạ, rét run, người như bị ai đánh bầm dập", đó là những triệu chứng mà chị Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi), nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy (Hà Nội) gặp phải trong những ngày đầu bị cúm A.
"Sau 3 ngày ốm nặng, tôi lên bệnh viện thăm khám được xác định mắc cúm A đã bị bội nhiễm phế quản phải nằm viện điều trị một tuần. Những ngày ở viện, tôi gần như chỉ nằm trên giường vì quá mệt, thở như cá ngáp, đau đầu kinh khủng", chị Hoa nhớ lại.
Chị Hoa mô tả mắc cúm A có nhiều triệu chứng tương tự như bị sốt xuất huyết, điển hình là tình trạng sốt cao, đau đầu, người đau ê ẩm, ho khan, mất vị giác.
"Nghĩ lại vẫn sợ", người phụ nữ rùng mình.
3 mẹ con nheo nhóc nằm viện, người bố phải "chạy xô" vừa đi làm, vừa chăm người ốm là câu chuyện của chị Hà, sống tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) trong giai đoạn Thủ đô rộ dịch cúm A.
Chị Hà mô tả những ngày đầu có triệu chứng sốt, người mệt lả, khó thở. Hai con của chị lờ đờ, người nóng ran, bàn tay bàn chân lạnh toát, cứ ăn vào lại nôn.
"Con nôn ra cả thuốc nên sau chúng tôi phải dùng đến thuốc đút hậu môn. Sau đó, cả nhà cùng nhập viện và được xác định bị cúm A. Mình người lớn mắc bệnh này mà cũng bị vật như trời hành mới thấy thương các con", chị Hà kể.
Vừa thoát sốt xuất huyết lại bị cúm A "hành"
Dịch sốt xuất huyết vừa hạ nhiệt, vài tuần trở lại đây, số ca mắc cúm A tại Hà Nội lại tăng mạnh.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.
Bệnh nhân cúm A gia tăng nhanh trong thời gian gần đây (Ảnh
minh họa: Mạnh Quân).
Ngoài cúm A, cơ sở này cũng ghi nhận trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV, Mycoplasma, Adeno virus, Rota virus gia tăng.
"Mùa đông với thời tiết lạnh ẩm, thay đổi thất thường, kèm theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng chính là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn gây các bệnh như: cúm mùa, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, cũng như nhiều bệnh khác phát triển và lây lan mạnh", phía bệnh viện nhận định.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm A đến khám, nhập viện điều trị trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Trong đó, có nhiều trường hợp nhầm tưởng mắc cảm cúm thông thường tự điều trị tại nhà nên khi nhập viện tình trạng đã nặng, xuất hiện biến chứng.
Tại bệnh viện đang điều trị 15 trường hợp mắc cúm A nặng, trong đó có 8 trường hợp có bệnh nền.
Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, đa phần các trường hợp mắc cúm có bệnh nền đều diễn biến khá nhanh. Thậm chí, có trường hợp sau mắc 2 ngày đã đi vào suy hô hấp.
Cúm A dễ nhầm lẫn: Dấu hiệu nhận diện là gì?
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A(H1N1), A(H3N2)…
Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi…
Thông tin quan trọng cần biết về cúm A (Ảnh: Bệnh viện cung
cấp).
Triệu chứng của bệnh cúm A rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ sở y tế. Việc nhận biết sớm các triệu chứng của cúm A sẽ giúp bệnh nhân có thể đến bệnh viện thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Theo TS Lâm, một số triệu chứng thường gặp của bệnh gồm:
- Đau họng và ho.
- Hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
- Sốt và ớn lạnh.
- Nhức đầu và nhức mỏi cơ thể.
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy…
Bạn đang xem: Hết sốt xuất huyết lại tới cúm A 'hành': Thở như cá ngáp, cả nhà nằm viện
Chuyên mục: Chăm sóc sức khỏe
Các bài liên quan
- Hà Nội ghi nhận thêm 11 ổ dịch sốt xuất huyết trong một tuần
- Sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng tăng, Bộ Y tế cảnh báo nóng
- Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát
- Người phụ nữ ở Hà Nội có phổi đông đặc, tổn thương lỗ chỗ: BS cảnh báo nguy cơ từ căn bệnh lây qua muỗi
- Ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết
- Bệnh nhân mắc cúm A/H9N2 sống gần nơi giết mổ gia cầm, chưa tiêm phòng vaccine cúm