Ham rẻ mua đất có đường điện cao thế đi qua, chủ đất rao bán nửa giá vẫn ế
Đầu tư theo đám đông, không ít người ham rẻ, mua đất có vị trí xấu phải chấp nhận bán lỗ sâu nhưng vẫn không bán được.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, bất động sản lại trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn. Kể cả người chuyên và không chuyên nghiệp cùng tham gia đầu tư khiến thị trường bất động sản liên tiếp xảy ra các cuộc "sốt đất".
Trong các cuộc "sốt đất" từ thành thị tới nông thôn, không ít người đã đầu tư theo xu hướng đám đông, lao vào mua đất như "con thiêu thân". Họ mua cả đất rừng sản xuất, đất khai hoang…, cá biệt còn mua cả đất vị trí xấu, giao thông không thuận tiện với suy nghĩ "miễn sao rẻ và có diện tích lớn".
Tuy nhiên, khi thị trường trầm lắng như hiện nay, những mảnh đất dễ mua, giá rẻ lại trở thành khó bán, gây khó cho chủ đất.
Anh Nguyễn Thế Long, một nhà đầu tư bất động sản không chuyên ở Hà Nội, cho biết, tháng 5/2021, anh mua một mảnh đất rộng hơn 2.000m2 ở xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) với giá khoảng 3,6 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,8 triệu đồng/m2. Do đất khai hoang nên việc mua bán chỉ qua hình thức giấy viết tay.
"Lúc đó tôi chỉ nghĩ vị trí đất có xấu một chút nhưng giá cũng rẻ và phải mua thật nhanh không có người khác mua mất. Cứ mua xong rồi tính, kiểu gì cũng có lãi, trường hợp xấu nhất thì vẫn còn đất ở đó", anh Long kể và cho biết để mua mảnh đất này anh đã vay mượn thêm từ bạn bè và ngân hàng gần 1,5 tỷ đồng.
Ham mua đất giá rẻ, đến lúc thị trường trầm lắng, nhiều chủ đất muốn bán cũng không được (Ảnh minh họa: Hà Phong).
Anh chấp nhận dùng tiền lương trả tiền lãi vay hàng tháng và chờ giá đất tăng. Khi đến tháng 4 năm nay, thị trường đột ngột mất thanh khoản, anh Long đi nhờ khắp nơi để đăng bán mảnh đất trên. Anh đã chấp nhận lỗ, giảm giá tới 2 lần và mức rao bán hiện tại là 1,2 triệu đồng/m2 nhưng vẫn chưa gặp được khách mua.
"Khi đăng thông tin rao bán, tôi cũng nhận được khá nhiều cuộc gọi đến hỏi. Nhưng khi nói tới giá và vị trí thì họ chê đủ thứ, nào là đắt, vị trí sâu trong làng, không pháp lý…", anh Long nói.
Theo anh Nguyễn Văn Thắng - một môi giới nhà đất lâu năm ở Hòa Bình, khoảng 2 năm trước, hàng ngày, văn phòng môi giới nhà đất của anh có tới hàng chục giao dịch đất nền. Khách tới xem đông và chốt giao dịch rất nhanh.
Tuy nhiên, hiện giờ, anh Thắng thừa nhận, giao dịch ở nhiều khu vực của Hòa Bình đều "đóng băng". Văn phòng vẫn có khách tới tìm hiểu, nhưng chỉ để khảo sát, thăm dò và không chốt giao dịch.
"Giá đất nền ở nhiều huyện trung tâm của tỉnh Hòa Bình như Lương Sơn đang khá cao. Dù thị trường có trầm lắng, nhưng giá đất nền tại đây vẫn chưa giảm đồng loạt, mức độ giảm chỉ ở những mảnh đất có vị trí xấu, hoặc chủ đất muốn bán gấp do áp lực tài chính", anh Thắng nói.
Cũng theo anh Thắng, thời gian trước, nhiều người đã mua đất mà không tính tới giá trị sử dụng, khai thác. Đến nay, khi thị trường trầm lắng, những mảnh đất vị trí xấu, không thuận tiện cho kinh doanh, sản xuất thì có giảm sâu cũng khó bán.
"Có khách đã gửi tôi bán mảnh đất có đường dây điện cao thế đi qua ở huyện Lương Sơn. Lúc đầu chủ đất bán với giá 2,7 triệu đồng/m2. Nhưng sau thời gian dài không bán được, chủ đất đã giảm hơn 50% so với giá ban đầu, xuống còn 1,2 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không thể bán được", anh Thắng chia sẻ.
Chủ đất đã giảm tới 50%, nhưng vẫn không thể "thoát" được mảnh đất có dây điện cao thế đi qua (Ảnh minh họa: Hà Phong).
Theo đánh giá của giới đầu tư chuyên nghiệp và chuyên gia bất động sản, những sản phẩm đất nền có vị trí đẹp vẫn có tính thanh khoản và tăng giá đều do được khai thác tạo ra lợi nhuận. Còn những mảnh đất thiếu pháp lý, không thuận lợi giao thông, khó khai thác cho thuê thì rất khó có thanh khoản và giảm giá là điều đương nhiên.
Ông Phạm Lâm - Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho biết, giá bán bất động sản trên thị trường thứ cấp ghi nhận sự sụt giảm cục bộ ở một số dự án hết chương trình ân hạn nợ gốc, tài trợ lãi của chủ đầu tư dự án. Hoặc một số thị trường, phân khúc sản phẩm bất động sản có tính thanh khoản thấp, mang tính chất đầu cơ cũng sẽ rớt giá.
Theo ông Lâm, lý do xảy ra tình trạng sụt giảm cục bộ là lạm phát và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính. Đồng thời, khi "sốt đất", bất động sản ở một số nơi có thông tin quy hoạch, hạ tầng không rõ ràng bị đẩy lên quá cao. Vì thế, khi các quy hoạch này không được thực hiện sẽ làm giá nhà, đất ở các khu vực này sụt giảm mạnh, khiến thị trường gần như mất thanh khoản sau khi cơn "sốt đất" đi qua.
Tuy nhiên, việc giảm giá này sẽ không đại diện cho toàn thị trường mà chỉ ở một số khu vực cục bộ, ở những điểm "sốt nóng" trước đây.
Bạn đang xem: Ham rẻ mua đất có đường điện cao thế đi qua, chủ đất rao bán nửa giá vẫn ế
Chuyên mục: Kinh nghiệm mua sắm
Các bài liên quan
- Sang tên sổ đỏ, ai phải nộp lệ phí trước bạ nhà đất?
- Nên đầu tư nhà đất từ bây giờ hay chờ luật Đất đai có hiệu lực?
- Mua mảnh đất để không, 4 năm sau vợ chồng tôi hốt hoảng với cảnh tượng trên đất nhà mình
- Liều mua đất lúc sốt, sau 2 năm gánh cả đống nợ
- Nhà đầu tư chi tiền tỷ mua đất nền, nhiều khu vực giao dịch tăng trở lại
- Có tiền nhàn rỗi, nên mua đất cắt lỗ dưới 1 tỷ đồng?